Burnout syndrome, tạm dịch là “hội chứng cháy sạch”, là sự kiệt sức hay suy kiệt cả về thể chất và tinh thần, đã trở thành một vấn đề lớn trong thời đại phát triển với tốc độ nhanh và hiện đại ngày nay. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ khi nhu cầu đối với các nhà phát triển có kinh nghiệm hiện đang cao hơn bao giờ hết cùng với áp lực gia tăng trong công việc đã khiến không ít các developer cảm thấy mình “sức cùng lực kiệt”.
Chúng ta đang làm việc nhiều giờ hơn để đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công việc. Nhưng điều đó nhiều khi lại bị phản tác dụng bởi sự gia tăng áp lực và căng thẳng. Làm thêm giờ quá mức, xung đột quy trình làm việc, những vấn đề với đồng nghiệp hoặc khách hàng đều có thể làm vấn đề trầm trọng hơn.
Mặc dù bạn có thể là người rất đam mê về lập trình, nhưng một khi tình trạng kiệt sức xảy ra, bạn sẽ thấy sự ham muốn làm việc của mình giảm dần đến mức bạn chẳng muốn đến cái máy tính của mình. Tình hình đã bắt đầu tồi tệ rồi.
Trước khi bạn có thể điều trị chứng “cháy sạch” này, trước tiên bạn phải hiểu và chấp nhận rằng bạn thực sự đang trải qua một vấn đề nghiêm trọng trong một khoản thời gian dài chứ không chỉ là ngày một ngày hai.
Hội chứng suy kiệt trong lập trình là gì?
Khái niệm về hội chứng suy kiệt (burnout syndrome) được nhà tâm lý học Herbert Freudenberger mô tả lần đầu tiên vào năm 1974. Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
Hội chứng suy kiệt được khái niệm là kết quả của căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc mà không được quản lý thành công.
Thật vậy, tình trạng kiệt sức luôn liên quan đến công việc của bạn. Định nghĩa này cũng nói về căng thẳng mãn tính: đó còn hơn cả một ngày tồi tệ, đó là điều gì đó xảy ra lặp đi lặp lại.
Mọi người đều phản ứng với căng thẳng mãn tính ít nhiều khác nhau. Freudenberger nhận thấy rằng những nhân viên tận tâm và tận tụy có nhiều nguy cơ hơn. Nếu bạn tận tụy vào công việc của mình nhưng môi trường làm việc không đảm bảo đến hoặc đối nghịch với những nỗ lực của bạn, bạn sẽ ngày càng thất vọng và vỡ mộng. Điều này có thể xảy ra nhanh chóng nếu bạn làm việc trong một môi trường làm việc quá hỗn loạn hoặc chuyên quyền chẳng hạn.
Có hai điều quan trọng có thể dẫn đến burnout
- Tính cách của chính bạn.
- Môi trường bạn làm việc.
Nhưng môi trường làm việc có trọng lượng lớn hơn trong sự cân bằng kiệt sức hơn là tính cách, theo như nghiên cứu này (xem phần Nguyên nhân và Kết quả).
Nó có thể giải thích tại sao tình trạng kiệt sức diễn ra trong những thập kỷ qua đối với một số loại công việc, như phát triển phần mềm, xảy ra với tất cả các loại tính cách và cấp bậc, từ các developer, các lập trình viên đế đến các nhà quản lý cấp cao.
Những dấu hiệu của hội chứng suy kiệt
Theo một cuộc khảo sát về tình trạng suy kiệt của các developer năm 2020 của Coding Mindful, trải nghiệm phổ biến nhất mà các nhà phát triển phải chịu là:
“Thiếu năng lượng cần thiết để hoàn thành công việc của bạn hoặc các dự án lập trình khác.”
Khoảng 80% số người được hỏi xác định đây là triệu chứng chính của sự kiệt sức của lập trình viên. Dưới đây là danh sách các dấu hiệu của hội chứng suy kiệt của lập trình viên:
- Có những suy nghĩ hoặc tuyên bố tiêu cực lặp đi lặp lại về việc xây dựng phần mềm hoặc lập trình.
- Thiếu năng lượng cần thiết cần thiết để hoàn thành công việc của bạn hoặc các dự án lập trình khác.
- Cảm giác về thể chất thật khó để lập trình, để tìm thấy năng lượng tinh thần cần thiết để sắp xếp suy nghĩ của bạn
- Thiếu động lực để làm việc, dù là đến văn phòng hoặc làm việc từ xa.
- Có những khó chịu hoặc giận dữ không cần thiết hoặc lặp đi lặp lại đối với đồng nghiệp, hoặc nghi ngờ vô lý về năng lực của họ.
- Có hành vi tránh né lạm dụng chất kích thích, uống quá nhiều rượu, ăn quá nhiều, chơi game quá nhiều như một cách để đối phó với những yêu cầu đặt ra đối với bạn.
- Tự bắt buộc mình phải làm việc quá sức để bù đắp cho cảm giác tụt hậu.
- Có cảm giác rằng dự án hoặc nhóm sẽ sụp đổ nếu không có bạn, cảm giác rằng toàn bộ thành công của doanh nghiệp chỉ nằm trên vai bạn. Điều này còn được gọi là Cái bẫy không thể thiếu (The Indispensable Trap).
Nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng như vậy thì có thể bạn đang trong quá trình kiệt sức.
Sự suy kiệt chắc chắn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm lo lắng và trầm cảm, có thể gây hại cho sự nghiệp của bạn.
Nguyên nhân hội chứng suy kiệt của các developer
Lý do 1: Công việc đơn điệu
Lập trình là ngồi trước màn hình cả ngày, ngoại trừ có thể nghỉ trưa và một vài cuộc họp. Tuy nó cũng giống như nhiều công việc khác nhưng cường độ nhìn chằm chằm vào màn hình của bạn trong khi ngồi ở một vị trí rất không lành mạnh là cao nhất trong các công việc.
Ngay cả khi bạn thấy công việc của mình thật hấp dẫn, sự đơn điệu này có thể nhanh chóng dẫn đến sự chậm chạp về thể chất. Điều đó có nghĩa là bạn không hoàn thành công việc của mình nhanh chóng, vì vậy bạn bắt đầu mất tinh thần, vì vậy bạn làm việc ít hơn,…
Thoát khỏi vòng luẩn quẩn này có nghĩa là áp dụng một lối sống lành mạnh. Về lý thuyết thì nghe có vẻ dễ dàng. Nhưng tỷ lệ tuổi thọ ngày càng giảm cho thấy nó khó khăn như thế nào.
Lý do 2: Áp lực về thời hạn
Nếu bạn đã từng làm việc với Scrum và các phương pháp tương tự hoặc đơn giản là một lập trình viên lâu năm, bạn biết chúng ta đang nói về điều gì.
Bạn đuổi theo hết thời hạn này đến thời hạn khác. Bạn dự kiến hoàn thành mọi thứ vào hôm qua nhưng thật sự là bạn không thể. Kết quả là, khi bạn nghĩ về công việc của mình, bạn không cảm thấy vui vẻ và cảm thấy thật sự áp lực.
Điều đó khiến ngọn lửa đam mê lập trình của bạn tàn lụi dần. Bạn được kỳ vọng là một rô-bốt và luôn làm xong việc trước thời hạn. Nhưng bạn là con người, vì vậy cơ thể bạn phản ứng bằng các triệu chứng kiệt sức.
Lý do 3: Đồng nghiệp
Hãy xem xét tình huống sau: Có một dự án mới khiến bạn khiến bạn hứng thú và bạn cảm thấy mình đang đạt được những thành quả đáng khích lệ. Nhưng rồi mỗi ngày bạn đều sợ phải đi làm. Mỗi khi nghĩ về dự án bạn lại cảm thấy lo lắng và không vui. Chuyện gì vậy?
Sự thật là, bạn cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm nhưng vẫn cảm thấy lo lắng về mối quan hệ với những đồng nghiệp của mình. Đó có thể là sự chia sẽ, căng thẳng trong giao tiếp, khác biệt về mục tiêu, cách hành xử thô bạo của đồng nghiệp…
Nếu bạn đang gặp phải các hội chứng suy kiệt do đồng nghiệp khó tính, hãy biết rằng đó có thể không phải lỗi của bạn. Hãy xem cách để vượt qua khó khăn này trong phần sau của bài viết.
Lý do 4: Không được công nhận
Lý do này cũng liên quan đến các mối quan hệ tại nơi làm việc của bạn, nhưng ở một mức độ khác. Dự án của bạn có thể rất thú vị, và đồng nghiệp của bạn thì không có gì để phàn nàn. Tuy nhiên mỗi khi bạn cảm thấy mình đã đạt được điều gì đó, người quản lý sẽ giao ngay mộ một nhiệm vụ hoàn toàn khác không liên quan gì đến nhiệm vụ cũ. Và bạn cũng không nhận được bất kỳ sự đánh giá, công nhận hay khen ngợi gì. Và bạn cảm thấy mất động lực.
Nếu chuyện này xảy ra thường xuyên sẽ khiến bạn nhụt chí vì có vẻ bạn không tạo ra bất kỳ thứ gì hữu ích. Bạn chỉ thấy nhẹ nhỏm khi ngày ngày làm việc kết thúc nhưng không vui vì lại phải đi làm vào ngày mai. Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng ngay cả những kỹ năng bạn học hỏi được khi hoàn thành một việc nào đó cũng chẳng có ích gì.
Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tất cả là vì người quản lý của bạn.
Lý do 5: Liên quan lương bổng
Được trả lương quá ít hoặc quá nhiều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng burnout của bạn.
Trả lương quá ít là lý do không có gì phải bàn cãi cho việc suy kiệt. Nếu bạn không đủ tiền để sống và nó xảy ra hết ngày này qua tháng khác thì quả là thảm họa.
Nhưng trả quá nhiều thì sao? Giả sử bạn được nhận vào một công việc mà do quá trình phỏng vấn bạn làm quá tốt và bạn được đề nghị một mức lương cao hơn nhiều so với khả năng của bạn. Bạn sẽ gặp rất nhiều sự kỳ vọng, áp lực để chứng tỏ khả năng và nhiều áp lực khác.
Lý do 6: Nhiệm vụ quá khó khăn hoặc vô nghĩa
Lý do 3 đến 5 đề cập đến các vấn đề mà bạn có thể gặp phải mặc dù có một dự án rất hấp dẫn. Nhưng đôi khi dự án của bạn thật tệ.
Có thể dự án của bạn chỉ là một dự án không có nhiều đất diễn cho một lập trình viên. Tất cả những gì bạn muốn là lập trình chứ không phải các nhiệm vụ quản lý, quan hệ khách hàng, v.v. Cũng có thể bạn không thấy ý nghĩa trong dự án của mình bởi vì bạn không thể học được điều gì mới. Hoặc dự án có vẻ vượt quá khả năng của bạn. Bạn cảm thấy rằng bạn không thể hoàn thành nó như kế hoạch và người quản lý của bạn đã đánh giá quá cao các kỹ năng của bạn (quay lại lý do 5)
Hoặc có thể bạn đã làm việc trong một dự án trong vài tháng qua và bạn vẫn không thể hiểu được những gì bạn phải làm. Nhiệm vụ là một bí ẩn và dường như không ai có thể giải thích nó cho bạn. Điều này thường bắt nguồn từ việc quản lý yếu kém. Thật không may, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ.
Trong mọi trường hợp, mọi góc độ, nếu dự án là tệ đối với bạn, không có gì ngạc nhiên khi bạn gặp phải tình trạng kiệt sức.
Lý do 7: Công việc không có hồi kết
Điều này có liên quan mật thiết đến lý do 6, và bạn làm việc trong một dự án có thể thất bại.
Điều này có thể có nhiều lý do: Thời hạn quá chặt chẽ, bạn không có đủ nguồn lực hoặc nhóm của bạn quá ít nhân lực để thực hiện. Đặc biệt khi đó là một dự án lớn mà bạn đang thực hiện trong nhiều tháng và dẫn đến áp lực rất lớn lên vai bạn.
Phản ứng của bạn đối với điều này có thể xảy ra theo cả hai cách: Hoặc là bạn hoàn toàn thờ ơ, đến muộn và về sớm vì bạn biết rằng công việc của mình sẽ không thay đổi được gì. Hoặc bạn cày 14 giờ mỗi ngày với niềm tin rằng bằng cách này, bạn có thể xoay chuyển tình thế.
Sự thờ ơ của bạn là do sự xuống tinh thần và dẫn đến sự mất bình tĩnh hơn. Về cơ bản, bạn đang mất dần ngọn lửa nhiệt huyết của mình. Hoặc nếu bạn vùi đầu vào công việc, bạn thực sự đang bóp nghẹt niềm đam mê của mình.
Cả hai điều này đều là phản ứng tự nhiên và đó không phải là lỗi của bạn. Bạn là một lập trình viên xuất sắc và có thể bạn đã chứng minh được điều đó trong các dự án khác. Nếu điều này xảy ra đó là do hoàn cảnh chứ không phải do bạn!
Làm thế nào để tránh hoặc giảm suy kiệt
Bạn đã thấy những nguyên nhân khiến cho bạn trở nên kiệt sức và nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn. Bạn bắt đầu bỏ bê gia đình, bạn bè, sở thích và việc chăm sóc bản thân. Và bạn không những bị rơi vào khủng hoảng công việc mà cả cuộc sống.
Vậy bạn nên làm gì? Sau đây những điều bạn có thể làm để tránh “cháy sạch”
Nghỉ ngơi, tập thể dục và sức khỏe
Cố gắng tập thể dục ít nhất hai hoặc ba lần một tuần và ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn như trái cây và rau quả. Uống nhiều nước và đảm bảo ngủ đủ giấc. Thiền là một cách tốt khác để quản lý căng thẳng và thiết lập lại tâm trí của bạn.
Hãy cởi mở về tình trạng kiệt sức của bạn với bạn bè và gia đình vì lời khuyên và sự hỗ trợ của họ có thể rất quan trọng trong việc đưa bạn trở lại đúng hướng.
Một cách khác là dậy sớm nếu bạn chưa từng làm trước đây. Dậy sớm có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn trong khi vẫn duy trì năng lượng và tinh thần nhạy bén. Bạn có thể tập thể dục trước khi làm việc hoặc. Hoàn thành công việc sớm hơn để dành thời gian giải trí buổi tối là một động thái tích cực.
Dành thời gian cho những sở thích khác
Hãy dành thời gian để làm những việc ngoài chuyện lập trình. Đó có thể là đọc sách, tham dự các buổi gặp mặt, nghe podcast về những chủ đề bạn yêu thích. Hoặc bắt đầu viết blog cá nhân về những điều bạn yêu thích nhất. Viết cũng có thể là liệu pháp tuyệt vời để giúp ích cho tâm trí và tâm trạng của bạn. Biết khi nào nên nghỉ ngơi và làm việc khác là một cách quan trọng để quản lý bản thân. Nếu bạn cảm thấy công việc trở nên quá sức quản lý, hãy dành ra một chút thời gian để làm những điều thú vị mà bạn đang bỏ dở.
Sở thích là một cách tuyệt vời khác để chống lại tình trạng burnout. Có thể là bạn thích chơi game, thể thao hoặc chụp ảnh. Bạn rất dễ tước đi những điều thú vị trong cuộc sống. Đừng làm vậy. Các hoạt động vui chơi tạo ra năng lượng và đó là những gì bạn đang tìm kiếm để tạo ra sự cân bằng cuộc sống tốt hơn.
Điểm chính là trạng thái cân bằng. Có thời gian để làm việc, thời gian để ngủ và thời gian để tận hưởng cuộc sống với gia đình, bạn bè và các sở thích. Chia thời gian của bạn một cách khôn ngoan và bạn sẽ là một người hạnh phúc hơn nhiều.
Suy ngẫm và ghi chép
Có cách rất hiệu quả là dành thời gian để tự suy ngẫm và ghi chép vào cuối mỗi ngày. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một nhật ký hoặc một ứng dụng viết trực tuyến như Evernote. Bạn thậm chí có thể gửi email cho chính mình.
Bạn nên dành thời gian để nhìn lại những gì bạn đã đạt được trong ngày hôm đó. Điều này có thể bao gồm các sự kiện thụ động và chủ động. Sự kiện thụ động là khi một điều gì đó xảy ra mà bạn không thực sự làm được gì, chẳng hạn như tình cờ gặp lại một người bạn cũ và tận hưởng một cuộc trò chuyện dài.
Một sự kiện đang chủ động là khi một điều gì đó đã được thực hiện dưới dạng một hành động trực tiếp từ bạn. Điều này có thể ở dạng hoàn thành một nhiệm vụ trong danh sách việc cần làm, chẳng hạn như tải xuống một số phần mềm hoặc làm xong một việc nào đó trong kế hoạch.
Mục đích của việc tự suy ngẫm là nhìn lại những gì bạn đã đạt được nhưng cũng giúp bạn nhận ra rằng những điều có thể xảy ra mà bạn không thể kiểm soát được. Những điều này có thể làm thay đổi lịch trình của bạn và khiến bạn trở nên khó khăn hơn.
Bí quyết là hiểu rằng bạn không có toàn quyền kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống. Mọi thứ có thể xảy ra bất thường, nhưng điều đó không sao. Điều quan trọng là phải chấp nhận điều đó xảy ra, vì vậy đừng để sự thất vọng làm bạn kiệt sức.
Bằng cách này, bạn có thể thấy những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mình và học cách điều chỉnh kế hoạch của bạn khi bạn thực hiện.
Kết luận
Hội chứng suy kiệt, burnout syndrome, của developer là một vấn đề khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Nếu nó xảy ra, bạn có thể mắc phải một loạt các triệu chứng như thiếu năng lượng để hoàn thành công việc hoặc mệt mỏi kinh niên.
Bạn có thể ngăn ngừa hoặc chống lại hội chứng suy kiệt bằng cách nghỉ ngơi và tập thể dục, dành thời gian để tận hưởng những sở thích để mang lại sự cân bằng trong công việc cuộc sống tốt hơn.
Bạn phải dành thời gian để tự suy ngẫm. Nếu mọi thứ không suôn sẻ trong cuộc sống, việc tự phản ánh bản thân có thể xác định điều gì đang xảy ra và cho phép bạn lập kế hoạch và chiến lược để vượt qua các khó khăn. Hãy xem những gì bạn có thể hoặc không thể kiểm soát.
Chúc các bạn, các developer luôn cảm thấy tự tin, tràn đầy năng lượng và không bao giờ gặp phải hội chứng burnout này. Nhưng nếu bạn có những kinh nghiệm chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Tài liệu tham khảo cho bài viết:
1/ Understanding and Preventing Burnout as a Software Developer
2/Employee Burnout, Part 1: The 5 Main Causes
3/The Software Developer Burnout Survey 2020
4/ 7 Reasons why programmers burn out
5/Falling Down — The Reality of Developer Burnout
Cover photo by Christian Erfurt & by Marco Xu on Unsplash