Performance appraisal, còn gọi là đánh giá hiệu suất công việc, là một quy trình định kỳ quan trọng của nhân viên và cả công ty. Việc đánh giá được thực hiện hàng năm (hoặc nửa năm) để xác định hiệu suất công việc và đóng góp chung của một nhân viên đối với công ty, được đo lường bằng các mục tiêu và năng lực cốt lõi được xác định trước. Quá trình đánh giá hiệu suất cá nhân là một phần quan trọng của quản lý hiệu suất. Đối với công ty, nó giúp xác định các phạm vi cần cải tiến để có năng suất và chất lượng công việc tốt hơn. Đánh giá hiệu suất phù hợp cũng khuyến khích nhân viên cống hiến nhiều hơn bằng cách ghi nhận sự đóng góp và kỳ vọng của họ, do đó cũng tăng cường sự gắn bó và giữ chân nhân viên. Đối với nhân viên, đây là một dịp trình bày những gì họ đã đạt được để có cơ hội nhận thưởng hoặc thăng chức. Các cuộc trò chuyện nghề nghiệp trong quá trình này giúp tạo ra sự hiểu nhau nhiều hơn giữa nhân viên và nhà quản lý, dẫn đến hỗ trợ thích hợp cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của nhân viên.
Tầm quan trọng của bảng tự đánh giá hiệu suất công việc của kỹ sư phần mềm
Mặc dù việc đánh giá hiệu suất công việc là quan trọng, rất ít chuyên gia nhân sự, các nhà quản lý, các nhân viên được đánh giá thực sự có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị tốt cho việc này. Vậy bạn, với tư cách là một kỹ sư phần mềm, làm thế nào để chuẩn bị tốt cho mỗi kỳ đánh giá?
Cũng như những người làm việc trong các lĩnh vực khác, các kỹ sư phần mềm luôn cảm thấy căng thẳng trong giai đoạn này mặc dù đã trải qua nó rất nhiều lần. Sẽ có những câu hỏi trong đầu bạn, chẳng hạn như người quản lý của mình có đưa ra phản hồi công bằng không? Liệu mình có những bất ngờ không mong đợi trong quá trình đánh giá?
Cách tốt nhất để không có bất ngờ trong đánh giá là chuẩn bị bản tự đánh giá của riêng bạn và gửi cho người quản lý xem trước. Tại sao lại nên như vậy? Lý do là người quản lý của bạn luôn muốn có càng nhiều thông tin càng tốt về công việc của bạn. Họ thường không thể biết về mọi thứ bạn làm. Họ cũng có xu hướng chỉ nhớ (và coi trọng) những công việc bạn thực hiện gần đây hơn công việc đã khá xa. Vì vậy nếu bạn viết bản đánh giá một cách nghiêm túc bạn không chỉ làm cho công việc của người quản lý trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cũng chuẩn bị cho mình một bản đánh giá công bằng hơn, mang lại nhiều lợi thế hơn cho bạn.
Những nội dung nên có trong bảng tự đánh giá hiệu suất công việc
Nếu công ty của bạn có sẵn mẫu đánh giá hiệu suất, bạn nên sử dụng mẫu đó. Tuy nhiên, dù bạn có mẫu sẵn hay không, tuân thủ theo những nội dung dưới đây có thể giúp bạn viết một bảng performance appraisal chất lượng và đầy đủ thông tin.
1. Liệt kê các mục tiêu đã đặt ra
Thay vì nhảy ngay vào bảng thành tích, hãy liệt kê những mục tiêu đã đặt ra và kỳ vọng bạn đạt được cho giai đoạn này. Nếu các mục tiêu đó đã được bàn và thống nhất với sếp của mình, hãy liệt kê đầy đủ và bảng tự đánh giá hiệu suất công việc của bạn luôn bám sát danh sách này.
Nếu bạn không có những mục tiệu đã thỏa thuận với người quản lý của bạn, bạn cũng có thể đưa ra những kỳ vọng của riêng mình. Sẽ là một vấn đề nếu nếu bạn không có những mục tiêu hay kỳ vọng nào trong phần này. Hoặc có mà không rõ ràng. Vì vậy điều quan trọng là bạn nên nói chuyện với người quản lý của mình để làm rõ những mục tiêu, nói rõ chúng có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, với công ty cũng như team của bạn.
Dưới đây là ví dụ về mục tiêu trong phần đầu của bài đánh giá hiệu suất công việc:
Mục tiêu của năm
Dưới đây là những mục tiêu đã được phê duyệt và cần phải đạt được trong giai đoạn này:
- Thực hiện dự án phát triển mở rộng trang web thương mại điện tử Gurumart đúng theo kế hoạch
- Đảm bảo code chất lượng cao
- Thực hiện 3 buổi chia sẻ kiến thức về ảo hóa
- Thực hiện việc cố vấn nghề nghiệp cho nhân viên mới
2. Liệt kê những thành tích đã đạt được
Liệt kê những kết quả của bạn và những nỗ lực đã thực hiện. Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Sử dụng các con số để làm cho mọi thứ cụ thể hơn.
Các con số có thể là những thứ liên quan đến code (số lượng thay đổi , số lượng ngôn ngữ bạn làm việc, số lượng dịch vụ hay chức năng đã đưa vào hoạt động, v.v.), hoặc người (số người đã cộng tác, số nhóm, số bên liên quan), ảnh hưởng đến kinh doanh hay nghiệp vụ (ảnh hưởng đến doanh thu, cải thiện độ tin cậy, thay đổi hiệu suất và những tác động khác). Những số liệu trong bảng tự đánh giá không chỉ chó thấy bạn đã hết sực nỗ lực mà còn đạt được những kết quả cụ thể.
Đối với công việc chưa hoàn thành, việc ước tính kết quả cũng có hiệu quả. Ví dụ: giả sử bạn đang đóng một vai trò quan trọng trong một dự án đang tiến hành, bạn có thể nói “Dự án đang theo đúng tiến độ đã lên kế hoạch với ước tính tăng số lượng đơn hàng lên 20% khi hệ thống đưa vào sử dụng vào tháng 3 năm nay.”
Liên kết đến các chi tiết cụ thể một cách hợp lý nhưng đừng đi quá đà. Các chi tiết cụ thể có thể là tài liệu thiết kế, các thay đổi về code đáng chú ý hoặc code review. Việc liên kết những thứ này có thể cung cấp thêm thông tin cho người quản lý của bạn và là cơ hội để họ thấy được những kết quả công việc có ảnh hưởng nhất của bạn.
Nếu bạn có một nhật ký công việc (log work), hãy thêm liên kết đến nó ở dưới cùng của bảng đáng giá hiệu suất công việc của bạn. Nhật ký này là một phương pháp hữu ích để bạn theo dõi công việc bạn làm hàng tuần và nó cũng giúp bạn tự đánh giá nhanh hơn khi có rất nhiều thông tin trong đó. Nó cũng giúp quản lý của bạn có thể tham khảo thêm về những công việc mà bạn đã làm.
Hãy tiếp tục với ví dụ trên:
Công việc đã hoàn thành
Tất cả các mục tiêu chính đặt ra đã được hoàn thành ngoại trừ việc chia sẻ kiến thức:
- Dự án GuruMart được hoàn thành trước thời hạn một tháng với dự kiến sẽ tạo ra doanh số 10 tỉ doanh thu hàng năm. Một số pull request đáng chú ý đã thực hiện bao gồm G220122, G240122 và G333907
- Cải thiện chất lượng code: bằng cách sử dụng linter và cộng tác với mọi người thường xuyên hơn.
- Nhận trách nhiệm làm mentor cho một nhân viên mới (Minh DQ) và nhân viên này đã có những tiến bộ vượt bậc.
- Thực hiện được 2 buổi chia sẻ kiến thức về ảo hóa thay vì 3 vì không sắp xếp được thời gian. Tuy nhiên các tài liệu liên quan đã được chia sẻ cho toàn đội
Ngoài ra còn hoàn thành một số công việc khác :
- Tham gia vào thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý CS cùng với 3 thành viên khác. Hệ thống CS là ưu tiên số một của công ty để quản lý hiệu quả làm việc của đội Customer Service trong giai đoạn này.
- Xử lý hậu quả và thực hiện các cải tiến sau khi hệ thống bộ nhớ cache ngừng hoạt động. Những thay đổi này sẽ giúp đội dự án phát hiện các sự cố tương tự trong vòng 10 phút thay vì hơn 2 giờ, dẫn đến giảm thiệt hại khi các sự cố xảy ra (mỗi sự cố xảy ra có thể gây thiệt hại lên đến 100 triệu đồng).
- Đề xuất cải tiến kiến trúc cho hệ thống GuruPay và lên kế hoạch thực hiện trong cho giai đoạn tiếp theo. Ước tính khi hệ thống GuruPay mới được đưa vào hoạt động sẽ giúp tăng 50% các đơn hàng thanh toán trực tuyến.
- Đã đẩy 147 pull request và thực hiện 190 lượt review code trong khoảng thời gian này.
- Tham gia thực hiện 15 cuộc phỏng vấn kỹ thuật để tuyển thêm developer cho đội dự án
3. Đề cập đến việc “làm thế nào” để đạt được các thành tích
Hầu hết mọi người sẽ dừng lại bằng cách liệt kê những gì họ đã đạt được. Tuy nhiên, bạn nên thêm một phần nữa để có thể liệt kê nhiều chi tiết chất lượng hơn trong công việc của mình thì sẽ ấn tượng hơn. Đó những thứ có thể không có tác động lớn đến kết quả nhưng cũng khá quan trọng như làm việc nhóm, cộng tác và hỗ trợ người khác.
Liệt kê các ví dụ về việc bạn hỗ trợ mọi người trong và ngoài đội dự án. Bạn thậm chí có thể đề cập đến lời cảm ơn mà bạn đã nhận được từ mọi người, các trích dẫn tin nhắn trò chuyện hoặc email bạn đã nhận được. Đề cập đến tên của những người và nhóm mà bạn đã giúp đỡ hoặc những người mà bạn đã nhận được phản hồi tích cực.
Với cấp trên của bạn, họ sẽ ngạc nhiên và về phần này khi biết đến việc “bạn đã làm thế nào”:
Tinh thần làm việc cùng đội
Luôn xem trọng các đồng nghiệp và luôn tìm cách hỗ trợ cả đội và đây là cách để làm việc hiệu quả và có ích nhất. Một số điểm nổi bật có thể kể đến:
- Giữ chất lượng code cao thông qua các cuộc đánh giá code một cách cẩn trọng. Ví dụ về đánh giá chất lượng code cao bao gồm:
- G33424: chỉ ra các bài kiểm thử đã không được thực hiện theo kế hoạch
- G64381: đã phản ánh và yêu cầu cải thiện chất lượng code
- G77490: đưa ra phản hồi cho Minh DQ về phong cách lập trình và sau đó trực tiếp theo dõi
- G33424: chỉ ra các bài kiểm thử đã không được thực hiện theo kế hoạch
- Minh DQ đã đưa ra những phản hồi rất tích cực và nói rằng đã nhận được sự hỗ trợ rất có ý nghĩa trong việc phát triển nghề nghiệp. Mình đã nhận được nhiều ý tưởng và đề xuất để có thể bắt kịp với nhịp độ làm việc của cả đội.
- Là đầu mối liên hệ thường xuyên của các bên liên quan trong đội dự án. Luôn nhận được các câu hỏi từ nhóm thiết kế, nhóm dữ liệu và các kỹ sư và cả đội có mối quan hệ tốt.
- Mặc dù không hoàn thành tất cả những buổi chia sẻ kiến thức nhưng đã trả lời tất cả các câu hỏi của cả đội liên quan đến ảo hóa.
- Nhận được rất email cảm ơn cho những việc mình làm, chẳng hạn từ Ly, nhóm QC: “Cảm ơn anh đã giúp tụi em debug để kịp triển khai đúng kế hoạch dù anh đang rất bận và người trong team lại nghỉ ốm”
4. Đánh giá chung năng lực
Đã đến lúc cô đọng lại những gì bạn đánh giá về mình. Điều này sẽ giúp công việc của sếp trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cho biết bạn nghĩ gì về chính mình. Trong phần cuối này, hãy liệt kê các kỳ vọng và năng lực, đồng thời đưa ra các ví dụ công việc phản ánh những năng lực này.
Tự đánh giá chung về năng lực
Dưới đây là đánh giá về những kỳ vọng và năng lực của chính mình trong giai đoạn vừa qua.
- Tổng quan: đã đạt được tiến bộ vượt bực trong giai đoạn vừa qua với những thánh tích đạt được như hoàn thành dự án đúng kỳ hạn, nâng cao chất lượng code và nhiều thành tích khác đã liệt kê chi tiết bên trên.
- Kỹ thuật phần mềm: tập trung nhiều và chuyên sâu vào lĩnh vực này.
- Cộng tác và làm việc nhóm: đã làm việc và cộng tác hiệu quả trong và ngoài đội dự án.
- Thiết kế và kiến trúc: Tập trung vào lĩnh vực này trong giai đoạn vùa qua đặc biệt trong dự án Gurumart
- Mentor: Đã dành rất nhiều thời gian để cố vấn và hướng dẫn những người khác.
Và cuối cùng
Trước mỗi kỳ performance review, bạn cần phải dành thời gian cho việc tự đánh giá chính mình. Đừng để cho đến phút cuối cùng, và đặc biệt là tránh việc không chuẩn bị gì cho buổi đánh giá hiệu suất cùng sếp của bạn.
Điều quan trọng là bạn cần đảm bảo ĐỦ dành thời gian cho việc tự đánh giá của bạn, trước khi quá trình đánh giá hiệu suất công việc của nhân viên bắt đầu. Nếu bạn không dành thời gian, bạn sẽ có ít lý do để phàn nàn rằng sếp của bạn không biết gì về những thành tích quan trọng của bạn và thậm chí còn phản hồi về bạn tiêu cực hơn mức bình thường dù bạn đã nỗ lực làm việc. Bạn cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội để đánh giá lại về tất cả những việc bạn đã làm, từ đó nhìn nhận ra những điểm yếu cần phải cải thiện cho giai đoạn sắp tới.