Gần hai năm xảy ra đại dịch, nhiều người Mỹ đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với công việc. Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng 4,5 triệu người Mỹ đã nghỉ việc vào cuối tháng 11 năm 2021, trong khi đó có 10,6 triệu việc làm đang tuyển.
Các nhà phát triển phần mềm, cho dù công việc của họ thường có thể được thực hiện từ xa và về lý thuyết, ổn định hơn trong thời kỳ đại dịch, lại đang dẫn đầu trong làn sóng nghỉ việc.
Tạp chí Harvard Business Review đã tiến hành phân tích sâu về chín triệu hồ sơ nhân viên từ hơn 4.000 công ty trên khắp các ngành công nghiệp và phát hiện ra rằng tỷ lệ nghỉ việc cao nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Nghiên cứu cho thấy, nhìn chung, “tỷ lệ nghỉ việc cao hơn ở những nhân viên làm việc trong các lĩnh vực có nhu cầu tăng cao do đại dịch, có khả năng dẫn đến khối lượng công việc gia tăng và tình trạng kiệt sức”.
Các nhân viên y tế, những người đã ở trên chiến tuyến của đại dịch trong gần hai năm, nghỉ việc không phải là một điều bất ngờ. Nhưng điều gì đang thúc đẩy các nhà phát triển phầm mềm nghỉ việc và tỷ lệ từ nghỉ việc cao sẽ dẫn đến những thách thức nào đối với các cá nhân, các nhà quản lý và các công ty luôn cần phải đảm bảo sự hoạt động kinh doanh liên tục? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Nhu cầu tăng dẫn đến với kiệt sức, kiệt sức tương đương với nghỉ việc
Trong lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ nghỉ việc đã tăng 4,5% vào năm ngoái, theo Harvard Business Review. Tám mươi ba phần trăm các lập trình viên báo cáo bị kiệt sức và 81% nói rằng nó trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch. Có lý do nào liên quan giữa sự kiệt sức và đại dịch? Câu trả lời là khối lượng công việc tăng lên.
Đại dịch đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với các nhà phát triển phần mềm. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2020, các công ty đã tăng tốc thực hiện lộ trình chuyển đổi số và đám mây để cho phép nhân viên làm việc từ xa. Kết quả là sự gia tăng trong việc ứng dụng phần mềm và ngày càng phụ thuộc vào phần mềm trong các ngành công nghiệp đã làm tăng nhu cầu đối với các nhà phát triển, kỹ sư phần mềm.
Tất nhiên, đây cũng là một tin tốt: khi cầu vượt quá cung, các nhà phát triển phần mềm có tay nghề cao và dày dạn kinh nghiệm có thể nhận được nhiều lời mời làm việc hơn và các gói lương thưởng hấp dẫn hơn. Nhưng nhu cầu cao cũng có thể khiến các nhà phát triển phần mềm trở nên quá tải và kiệt sức. Trên thực tế, có rất nhiều software developer nghỉ việc đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực phát triển phần mềm không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Thay đổi về nhận thức và văn hóa làm việc
Kiệt sức không phải là lời giải thích duy nhất cho tỷ lệ nghỉ việc ngày càng tăng. Cú sốc của đại dịch, các vụ đóng cửa và chuyển hẳn sang làm việc từ xa đã khiến nhiều người thay đổi về cách nhìn nhận công việc. Nhà kinh tế học Ulrike Malmendier của UC Berkeley đã lập luận, “Đại dịch và sự gia tăng của công việc từ xa đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống của mình và thế giới”.
Nhà tâm lý học Anthony Klotz của Texas A&M, người được NPR tín nhiệm khi đặt ra thuật ngữ “Great resignation” (đại nghỉ việc hay đại khủng hoảng lao động), cho biết sự xuất hiện của đại dịch đã truyền cảm hứng cho những người lao động và khiến họ mạnh dạn chọn con đường khác của họ với những lý do khác nhau:
- Tôi có thể thu nhập cao hơn ở nơi khác.
- Tôi xứng đáng có điều kiện làm việc tốt hơn.
- Tôi cần thêm thời gian nghỉ ngơi.
- Tôi cần sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
- Tôi muốn làm một điều gì đó hoàn toàn khác với sự nghiệp của mình.
- Tôi muốn bắt đầu kinh doanh của riêng mình
Và những lý do đó thường kết thúc bằng những lá đơn nghỉ việc.
“Chúng ta có thể làm tốt hơn”
Mặc dù nghỉ việc thường là một biểu hiện của sự thất vọng hoặc thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, Great Resignation lại có ý nghĩa khác. Nó thể sự tự tin của người lao động và một mối quan hệ thay đổi giữa họ và người sử dụng lao động trong đó người lao động muốn có nhiều lựa chọn và tự kiểm soát hơn. Tạp chí The Atlantic gợi ý rằng trong khi “bỏ việc là một khái niệm thường được áp đặt cho những kẻ thất bại”, thì Great Resignation “thực sự là một biểu hiện của sự lạc quan với ý nghĩa rằng Chúng ta có thể làm tốt hơn”. Trên thực tế, chúng ta có thể coi đại dịch là “một điểm uốn quan trọng” trong thái độ của người lao động đối với công việc, và thậm chí là sự khởi đầu của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn.
Tiền quan trọng nhưng nó không phải là thứ duy nhất quan trọng
Thường thì các lập trình viên nghỉ việc vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở nơi khác. Cơ cấu trả thưởng thường khuyến khích các nhà phát triển phần mềm thay đổi công việc của họ. Đó là khi kinh nghiệm mà một người có được trong trong vai trò của họ ở một công ty trở nên có giá trị hơn mức tăng gia tăng mà hầu hết các nhà phát triển phần mềm có thể mong đợi sau mỗi vài năm. Nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số tăng đột biến cùng với sự nghỉ việc ồ ạt đã tạo ra một môi trường tuyển dụng nhân tài phần mềm ngày càng cạnh tranh. Điều này đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng tăng mức thù lao khi tìm cách kiếm những nhân viên quan trọng.
Dữ liệu của StackOverflow cho thấy khoảng 75% các nhà phát triển phần mềm đang tích cực tìm kiếm một công việc mới hoặc sẵn sàng cho các cơ hội việc làm mới. Trong số các software developer này, khoảng 65% cho biết lương thưởng là lý do chính khiến họ muốn rời bỏ (hoặc sẵn sàng rời bỏ) vai trò hiện tại của mình. Nhưng tiền không phải là yếu tố duy nhất: 39% muốn làm việc với công nghệ mới, 36% tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn (bao gồm các lợi ích như làm việc từ xa và giờ làm việc linh hoạt) và 35% muốn có cơ hội phát triển hoặc lãnh đạo tốt hơn.
Xu hướng coi các nhà phát triển phần mềm là tài nguyên kỹ thuật hơn là con người (có thể thay thế cho nhau, dễ dàng sạc lại) khiến một số nhà quản lý bỏ qua sự hài lòng trong công việc và hạnh phúc nghề nghiệp của nhân viên. Thái độ này khiến các lập trình viên bỏ cuộc. Hầu hết mọi người đều muốn làm việc ở nơi họ được đánh giá cao và nơi họ có cơ hội để phát triển kỹ năng và thăng tiến trong sự nghiệp. Với nhà phát triển phần mềm, điều đó ngày cáng có nghĩa hơn đối với họ.
Tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh phát triển
Nhiều người đã bỏ việc trong vòng hai năm qua để trở thành những người làm nghề tự do, chuyên gia tư vấn hoặc doanh nhân. Theo The Wall Street Journal, “Đại dịch đã mở ra một sự bùng nổ lịch sử trong tinh thần kinh doanh và tự kinh doanh.” Một số người muốn công việc được trả lương cao hơn hoặc linh hoạt hơn; những người khác lo lắng về việc tiếp xúc với COVID, cần phải ở nhà để chăm sóc trẻ em hoặc giám sát việc học trực tuyến, hoặc chỉ đơn giản là thoát sự cứng nhắc của một nhân viên 9-5 trong văn phòng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số lượng lao động tự do đã tăng 500.000 người kể từ đầu đại dịch, đạt gần 9,5 triệu người. Nói cách khác, số lượng người tự kinh doanh đã tăng 6%, ngay cả khi tỷ lệ việc làm nói chung ở Mỹ tiếp tục tụt hậu gần 3% so với con số trước đại dịch.
Người Mỹ cũng đăng ký hơn 4,5 triệu doanh nghiệp mới từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, tăng 56% so với năm 2020 — con số lớn nhất được ghi nhận có từ năm 2004, theo Cục điều tra dân số.
Các nhà phát triển phần mềm đang định lại cách họ làm việc
Khảo sát dành cho nhà phát triển phần mềm năm 2021 của StackOverflow cho thấy rằng ít nhà phát triển chuyên nghiệp được làm việc toàn thời gian hơn (81%, giảm so với 83% vào năm 2020). Tỷ lệ các nhà phát triển chuyên nghiệp là nhà thầu độc lập, người làm nghề tự do hoặc tự kinh doanh đã tăng từ 9,5% vào năm 2020 lên 11,2% vào năm 2021, cho thấy rằng một số nhà phát triển phần mềm đang lo lắng về sự đảm bảo về công việc hoặc muốn có công việc linh hoạt hơn. Vì vậy, trong khi tỷ lệ nghỉ việc cao, không phải tất cả các lập trình viên đó đều rời công việc của mình; nhiều người chỉ đơn giản là sáng tạo lại cách bản thân làm việc.
Tập trung vào các kỹ năng thay vì học thuật
Trong lĩnh vực công nghệ, kỹ năng (bạn có thể làm gì?) quan trọng hơn học thuật. Trong 20 năm qua, các nền tảng nội dung đã cho phép những người không phải là nhà phát triển phần mềm xây dựng kỹ năng của họ và cho phép các lập trình viên có kinh nghiệm làm việc hiệu quả hơn. Một số lập trình viên chuyển sang thành lập các công ty công nghệ, cho phép nhiều người từ các nền tảng không phải là kỹ thuật gia nhập lực lượng lao động công nghệ. Sự thay đổi này đã làm thay đổi cách thức hoạt động của ngành. Đối với một số lập trình viên, điều đó đã khiến họ nghỉ việc, hoặc thúc đẩy họ tự kinh doanh.
Sự gia tăng của công việc từ xa đã đã tạo ra hình thức các nhà phát triển phần mềm dịch chuyển. Các lập trình viên đã kiệt quệ bởi hệ thống phân cấp của công ty, đường đi làm xa xôi, sống ở những nơi đắt đỏ và văn hóa công ty nhàm chán đã chuyển sang tự làm việc từ xa trong hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, đại dịch đã đẩy nhanh tiến trình này, đặc biệt là ở các software developer ở lứa tuổi 30-45. Những người này có thâm niên trong nghề nghiệp và do đó có nhiều khả năng thành lập doanh nghiệp của riêng họ hơn là tham gia vào một công ty khác, đặc biệt là khi đối mặt với sự phân biệt tuổi tác và các rào cản gia nhập cao.
Những thách thức đối với các nhà quản lý
Đại nghỉ việc đưa ra những thách thức đối với các nhà quản lý. Một trong số đó là việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực phát triển phần mềm tốn nhiều thời gian và nhân lực và chi phí hơn.
Tỷ lệ nghỉ việc cao cũng là một vấn đề. Các công ty đầu tư thời gian và tiền bạc để thu hút và đào tạo nhân viên mới, nhưng khi những người đó rời đi, họ mang theo kiến thức theo mình và tạo ra một khoảng trống cần được lấp đầy bằng những ứng viên có năng lực khác.
Từ góc độ tổ chức, các công ty cần bảo vệ chống mất kiến thức khi nhân viên đến và đi, xúc tiến việc giới thiệu nhân viên mới để mọi người có thể bắt đầu gia tăng giá trị một cách nhanh chóng và cho phép cộng tác từ xa trong lực lượng lao động.
Tuy nhiên, các công ty và nhà quản lý cũng cần ưu tiên tránh tình trạng kiệt sức của nhà phát triển phần mềm, vì đó là yếu tố góp phần gây ra nhiều thách thức: các lập trình viên làm việc quá sức bỏ việc và kết quả là tiêu tốn tài nguyên và mất kiến thức. Đánh giá cao các nhà phát triển phần mềm bằng cách ghi nhận và khen thưởng, đầu tư vào phát triển chuyên môn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng kiệt sức và cạn kiệt lòng tin.
Lập kế hoạch cho hiệu ứng boomerang
Các nhà quản lý tạo ra một môi trường làm việc tích cực thường nhận thấy rằng những nhân viên đã rời sang công ty khác hoặc làm việc tự do muốn quay lại sau một thời gian ngắn đã nhận ra rằng cỏ không thực sự xanh hơn ở nơi mới. Tự kinh doanh không phải là là điều dễ dàng và ai cũng thành công. Để khuyến khích nhân viên quay lại, các nhà quản lý cần xây dựng một nền văn hóa phù hợp: một nền văn hóa coi trọng nhân viên một cách tổng thể.
Theo giám đốc điều hành SailPoint, Mark McClain tại Fast Company, có rất nhiều giá trị trong việc thu phục nhân tài đã được đào tạo trước đó, nhưng điều quan trọng là phải cho họ biết trước khi rời đi rằng cánh cửa có thể rộng mở để quay trở lại. Các nhà lãnh đạo cần xác định tư tưởng rằng công việc là một sự lựa chọn và các tình huống cá nhân hoặc cơ hội lớn là bình thường và như vậy có thể khuyến khích sự quay trở lại.
Các nhà quản lý trong lĩnh vực phát triển phần mềm nên ghi nhớ lời khuyên này. Rất có thể một số lập trình viên đã rời bỏ công việc của họ sẽ muốn họ trở lại trong một ngày nào đó nếu họ được chào đón trở lại với vòng tay rộng mở.
Và cuối cùng
Sự nghỉ việc hàng loạt đang định hình lại thị trường lao động theo những cách mà chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Một điều rõ ràng là việc các nhà phát triển nghỉ việc với tỷ lệ cao như vậy thúc đẩy các công ty và nhà quản lý đánh giá lại cách họ đối xử với những nhân viên, cách họ trả lương thưởng, đánh giá mức độ tôn trọng và quyền tự chủ , mức độ linh hoạt của công việc và lượng công việc đưa ra cho các nhà phát triển phần mềm.
Nếu bạn là một nhà phát triển phần mềm, đây là thời điểm để xem xét điều gì được và không phù hợp về công việc của bạn, và liệu bạn có bị cám dỗ để tự mình tham gia Great Resignation hay không. Hãy cho biết ý kiến của bạn dù bạn đang sống và làm việc ở đâu
Theo The Great Resignation is here. What does that mean for developers?