Trong quản ngành phát triển phần mềm nói riêng và IT nói chung, quản lý dự án là một lĩnh vực phức tạp. Là một project manager, đôi lúc bạn cảm mình như phải chịu trách nhiệm về mọi thứ. Lý do đơn giản là vì hiệu quả công việc của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của toàn bộ dự án. Người quản lý dự án không chỉ quản lý các công việc mà quan trọng nhất là hướng dẫn các thành viên hướng tới các mục tiêu chung. Trở thành một nhà quản lý dự án thành công đòi hỏi các phương pháp tiếp cận hiệu quả và nắm vững các kỹ năng cứng và mềm. Trong bài viết này chúng ta hãy xem xét kỹ hơn 5 kỹ năng thiết yếu để trở nên người quản lý dự án thành công, đặc biệt trong lĩnh vực IT, phần mềm.
1/ Kỹ năng về kỹ thuật
Tại sao cần có kỹ năng về kỹ thuật
Là người quản lý dự án phần mềm hay các dự án IT, một trong những kỹ năng quan trọng nhất là khả năng giao tiếp hiệu quả với tất cả các bên liên quan (tức các stakeholder), bao gồm nội bộ (developer, programmer, các nhà quản lý) và bên ngoài (khách hàng, các đối tác). Nhưng đối với nhiều Project Manager, việc giao tiếp với các developer trong team có thể là một thách thức. Khi bạn không có bất kỳ kiến thức kỹ thuật nào về phát triển phần mềm hay các lĩnh vực kỹ thuật trong dự án, thật khó có thể truyền tải cho những người liên quan thông tin cần thiết. Thậm chí bạn sẽ gặp khó khi chuyển các phản hồi của chính bạn thành các hướng dẫn hữu ích cho các developer. Có được một số chuyên môn kỹ thuật với tư cách là người quản lý dự án phần mềm có thể cải thiện đáng kể việc giao tiếp này. Học các khái niệm và thuật ngữ kỹ thuật cho phép bạn và các developer của bạn nói cùng một ngôn ngữ, vì vậy bạn có thể tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và có nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc.
Trừ những dự án nhỏ hoặc những công ty nhỏ không đủ nhân lực bạn phải tham gia cả việc code, một project manager sẽ không tham gia vào việc của developer. Tuy nhiên hiểu về lập trình hoặc có nền tảng kỹ thuật sẽ giúp bạn khá nhiều
Làm thế nào để phát triển kỹ năng kỹ thuật cho software project manager?
Xác định kỹ năng kỹ thuật cần thiết
Trước hết, để xác định các kỹ năng kỹ thuật mà bạn cần cho dự án hay các dự án của mình, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Bạn gặp khó khăn khi giao tiếp với các developer của mình ở đâu?
- Có những vấn đề cụ thể nào trong dự án mà bạn thấy mình phải giải thích nhiều hoặc phải được giải thích nhiều lần không?
- Bạn gặp khó khăn khi giải thích những khái niệm kỹ thuật nào cho các stakeholders?
Bạn có thể có nhiều câu hỏi khác và những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn xác định những gì bạn có thể cải thiện kỹ năng kỹ thuật trong việc quản lý dự án phần mềm của mình. Nếu bạn có nền tảng kỹ thuật hoặc xuất phát là developer hay kỹ sư phầm mềm, điều đó thật tuyệt. Bạn sẽ dễ dàng bổ sung các kiến thức kỹ thuật còn thiếu và dành nhiều thời gian cho công việc và các kỹ năng khác.
Ngoài những kiến thức, kỹ năng về lập trình, trong một số dự án hay công ty bạn phải kiêm luôn cả công việc của business analyst hay data analyst. Khi đó bạn cũng cần các kỹ năng kỹ thuật liên quan.
Học hỏi phát triển kiến thức kỹ năng kỹ thuật
Một khi đã xác định các kiến thức, kỹ năng cần nắm hay cải thiện cho các dự án phần mềm của mình, bạn có thể:
- Trao đổi với các developer hay chuyên gia kỹ thuật: Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại đặt câu hỏi. Hầu hết các developer rất sẵn sàng giải thích một số khái niệm và chi tiết cụ thể về kỹ thuật.
- Thu thập thông tin kỹ thuật có liên quan từ các dự án tương tự: Tìm hiểu nền tảng và chi tiết cụ thể về phát triển tính năng về các sản phẩm đã được phát triển trước đó.
- Nghiên cứu các quá trình phát triển: quan tâm đến tất cả các quy trình kỹ thuật trong dự án. Bạn cũng nên tập trung vào quy trình QA. Cố gắng hiểu nó một cách kỹ lưỡng, mọi thứ từ quy trình đến các công cụ đều có thể giúp đảm bảo phát triển một sản phẩm chất lượng.
- Bạn cũng có thể tham gia các khóa học online hoặc offline: miễn là bạn sắp xếp được và nó mang lại những kỹ năng kỹ thuật cần thiết cho bạn.
2/Kỹ năng lãnh đạo trong quản lý dự án phần mềm
Tầm quan trọng của kỹ năng lãnh đạo trong quản lý dự án phần mềm
Với nhiều PM kinh nghiệm, điều họ luôn đúc kết được sau nhiều năm thực hiện các dự án là khả năng lãnh đạo (leadership skill) là một kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà quản lý dự án giỏi. Vai trò lãnh đạo có nghĩa là lãnh đạo và quản lý các nhóm, thiết lập tầm nhìn, tạo động lực cho team và làm cho cuộc sống của các thành viên tốt hơn bằng cách huấn luyện và truyền cảm hứng cho họ.
Nhưng trở thành một nhà lãnh đạo không chỉ là nắm giữ một vai trò. Chúng ta cần phải thực thi quy trình và giữ cho mọi người trong nhóm luôn đúng quy trình. Người lãnh đạo biết những các thành viên đã làm gì và việc gì xảy ra tiếp theo, cũng như chịu trách nhiệm cuối cùng về việc dự án thất bại hay thành công.
Kỹ năng lãnh đạo quản lý dự án cũng tương tự như bạn lãnh đạo các đội nhóm khác. Đó là là đảm bảo bạn đang dẫn đầu (leading), thay vì chỉ quản lý (managing). Điều đó có nghĩa là cung cấp tầm nhìn và lộ trình để thành công, đồng thời phục vụ và trao quyền cho nhóm của bạn để đạt được điều đó. Điều quan trọng hơm nữa, khả năng lãnh đạo dự án không chỉ để thành công trong ngắn hạn mà còn là việc xây dựng nền tảng để tiếp tục thành công trong tương lai.
Làm thế nào để PM nâng cao kỹ năng lãnh đạo?
Là một leader, có lẽ bạn đã biết câu này trong tiếng Anh: “leaders are made, not born”, tức ‘các nhà lãnh đạo được tạo ra, không phải do sinh ra’. Điều này có nghĩa là các kỹ năng lãnh đạo có thể được học hỏi và phát triển. Chúng không chỉ xuất hiện trong một sớm một chiều. Các nhà lãnh đạo chỉ trở thành nhà lãnh đạo khi họ đã thành thạo những kỹ năng này. Cho đến lúc thực sự là nhà lãnh đạo, họ vẫn là người quản lý hoặc quản trị viên. Dưới đây là một số cách để một project manager phát triển kỹ năng lãnh đạo của mình, không chỉ trong các dự án phần mềm mà còn trong nhiều loại dự án khác:
- Hiểu về các thành viên trong đội dự án: các thành viên trong dự án bao gồm những người từ các team khác nhau. Vì vậy các nhà lãnh đạo cần biết các thành viên của họ ở mức độ sâu hơn chứ không chỉ tên và chức vụ. Các nhà lãnh đạo nên cố gắng xác định điểm mạnh và điểm yếu của các team members và điều gì khiến họ luôn có động lực. Cũng rất hữu ích nếu bạn biết sở thích của các thành viên khi nói đến phần thưởng và sự công nhận. Để làm điều này, các PM có thể bắt đầu các cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với các thành viên trong nhóm của mình. Có thể đó là một cuộc gặp gỡ một đối một hoặc với một nhóm. Ví dụ, trong khi nghỉ giải lao trong phòng uống cafe, và bạn có thể bắt đầu với trận đấu của Manchester United đêm qua hay bất kỳ một chủ đề nào nào khác. Các chủ đề ngẫu nhiên có thể dẫn dắt cuộc đối thoại đi rất xa và hướng đến những gì bạn cần biết.
- Thể hiện tính kỷ luật: một trong những phẩm chất tốt nhất của người lãnh đạo là lãnh đạo thông qua hành động. Nếu các nhà lãnh đạo muốn được theo dõi và phục tùng, họ phải tự mình thể hiện điều đó. Ví dụ, khi tham gia các cuộc họp, các nhà lãnh đạo nên đúng giờ, chú ý, ghi chép và làm theo hướng dẫn. Những điều này nghe có vẻ sơ đẳng nhưng khi các thành viên nhìn thấy nó, họ cũng cảm thấy rất vui khi tự mình thực hiện nó.
- Hãy cởi mở: một số nhà lãnh đạo không thích điều đó và khi các thành viên không đồng ý với họ điều gì đó có thể làm tổn thương cái tôi của họ. Điều này cần phải thay đổi. Các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng các thành viên có quan điểm và ý tưởng riêng và có thể tốt hơn của chính họ. Khi suy nghĩ của một nhà lãnh đạo được đặt câu hỏi, anh ta không nên lấy điều này chống lại người đó. Các thành viên chỉ cảm thấy thoải mái khi được cởi mở với người lãnh đạo của họ.
- Tiếp tục học hỏi: đạt đến vị trí của một nhà lãnh đạo không có nghĩa là mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Các project manager cần tiếp tục cập nhật và nâng cấp kiến thức, kỹ năng lãnh đạo ở mức cao hơn Những điều mới này không phải lúc nào cũng có nghĩa là chỉ học lý thuyết mà còn là kỹ năng áp dụng và đúc kết các kinh nghiệm cho riêng mình.
3/Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là sự trao đổi hai chiều
Một trong những kỹ năng cần thiết cho quản lý dự án là khả năng giao tiếp tốt: hiểu và được hiểu, tức là phải hai chiều. Giao tiếp tuyệt vời là điểm mấu chốt của bất kỳ mối quan hệ nào và do đó, hiệu quả của giao tiếp của người quản lý dự án có tác động không chỉ đến nhóm dự án mà còn cả khách hàng và các bên liên quan. Theo tài liệu của Viện Quản lý Dự án PMI, Guide to the Project Management Body of Knowledge, khoảng 75-90 phần trăm thời gian của người quản lý dự án tại nơi làm việc được dành để giao tiếp.
Tuy nhiên, giao tiếp hiệu quả không tự nhiên mà có. Nó bắt đầu bằng cách dành thời gian và nỗ lực cần thiết để hiểu rõ về các thành viên trong đội dự án của bạn và đề ra một kế hoạch giao tiếp phù hợp và các công cụ giao tiếp liên quan kết nối với các kiểu tính cách khác nhau. Điều này có nghĩa là phải điều chỉnh chiến lược giao tiếp từ dự án này sang dự án khác, vì lý do đơn giản là chúng ta có thể có các thành viên khác nhau cho mỗi dự án và một hệ thống hoặc cấu trúc giao tiếp cụ thể có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, mọi dự án.
Kỹ năng giao tiếp quản lý dự án quan trọng cần thành thạo là khả năng lắng nghe, rõ ràng và đảm bảo thông tin của bạn phù hợp và người nhận hiểu được. Khi thông tin được truyền đi với thông điệp phù hợp, vào đúng thời điểm, đến đúng người, qua đúng kênh, hầu như mọi rào cản đều có thể vượt qua.
Làm thế nào để project manager cải thiện kỹ năng giao tiếp?
Thiết lập kế hoạch và khuôn khổ giao tiếp trong dự án
Xây dựng một kế hoạch giao tiếp cho từng dự án cụ thể giúp bạn giao tiếp hiệu quả các thành viên, các bên liên quan, các lãnh đạo cấp trên và khách hàng của bạn. Đặt ra những kỳ vọng rõ ràng cho từng kênh hay đối tượng giao tiếp của bạn ngay từ đầu. Với một kế hoạch truyền thông rõ ràng bạn sẽ hạn chế rủi ro thông tin sai lệch và các trở ngại thông thường của dự án. Đồng thời tăng cường hiệu quả của đội dự án và đối với các stakehoders nói chung.
Một kế hoạch giao tiếp hoàn chỉnh bao gồm:
- Có mục đích: đảm bảo rằng bạn đã có lý do cho từng phương pháp giao tiếp trong kế hoạch của mình.
- Một phác thảo rõ ràng về nhu cầu của dự án: Hãy suy nghĩ về các yêu cầu cần thiết trong phần lớn các dự án và liệt kê chúng ở đây.
- Danh sách các phương pháp giao tiếp sẽ được sử dụng và các mục tiêu liên quan đến từng phương pháp: bao gồm các cuộc họp, email, nhắn tin tức thời và bất kỳ phần mềm hoặc công cụ liên quan nào sẽ được sử dụng.
- Lịch trình, ngày tháng và tần suất: Có thể nhóm của bạn thích cập nhật nhanh hàng ngày hơn là cập nhật hàng tuần qua email hoặc có thể bạn chỉ muốn đảm bảo các bên liên quan không mất bình tĩnh khi có sự thay đổi project scope. Dù bằng cách nào, điều quan trọng là phải đặt ra các kỳ vọng và tiền lệ cho thời gian liên lạc.
- Vai trò và trách nhiệm: Ai sẽ gửi lời nhắc dự án? Ai ghi chép cuộc họp? Mặc dù hầu hết các thông tin liên lạc sẽ do bạn với vai trò là người quản lý dự án, cần có một quy trình rõ ràng về cách các thành viên khác trong nhóm và các bên liên quan trong giao tiếp.
Lắng nghe hiệu quả
Một người quản lý dự án có thể tạo ra sự khác biệt cho bản thân bằng cách biết cách thực sự lắng nghe người khác. Nghe cũng không chỉ là hành động nghe. Khi người quản lý dự án thực hành phương pháp lắng nghe một cách chủ động, họ không chỉ chú ý đến nội dung của thông điệp mà còn điều chỉnh các sắc thái như ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và giọng điệu của mình.
“Cách lắng nghe có tâm cho phép người quản lý dự án xác định rõ hơn các vấn đề, rủi ro, cơ hội rõ ràng và có đủ sự tinh tế khi làm việc với bất kỳ mức độ không chắc chắn nào . Ngược lại, việc lắng nghe kém thường bị cho là do mắc sai lầm, giảm hiệu quả và bỏ lỡ cơ hội”. Viện quản lý dự án PMI đã giải thích như vậy.
Để trở thành một người lắng nghe có hiệu quả cần một thời gian tập luyện và đúc kết kinh nghiệm. Nhưng nó rất đáng giá. Một vài gợi ý để bạn có thể lắng nghe hiệu quả với vai trò là một nhà quản lý dự án phần mềm:
- Không ngắt lời: Cho người khác thấy rằng bạn tôn trọng những gì họ nói bằng cách tạm dừng một hoặc hai giây sau khi họ nói xong. Điều này cũng không chỉ áp dụng cho giao tiếp bằng giọng nói. Khi sử dụng công cụ nhắn tin tức thì như Slack, Skype… bạn nên tạm dừng trước khi trả lời để đảm bảo người kia đã suy nghĩ xong.
- Chú tâm: Không ai có thể lắng nghe đúng cách khi họ đang gấp rút hoặc bị phân tâm bởi các nhiệm vụ khác. Hãy dành toàn bộ sự chú ý của mình cho cuộc trò chuyện. Ngay cả khi bạn chỉ có ít thời gian hãy dành thời gian này để lắng nghe và trả lời một cách chu đáo.
- Chú ý đến các ngôn ngữ hình thể: Thành viên trong nhóm của bạn có thể nói rằng họ không gặp vấn đề gì nhưng giọng điệu và sự căng thẳng rõ ràng của họ cho bạn biết điều khác. Các các tín hiệu không lời này có thể cung cấp cho bạn toàn bộ câu chuyện. Các thành viên trong nhóm của bạn qua đó cũng thấy rằng bạn quan tâm đến nhiều hơn là chỉ giao tiếp ở mức độ bề mặt.
- Đặt những câu hỏi đúng: Nếu bạn đã từng là nạn nhân của cuộc trò chuyện một chiều, bạn sẽ biết việc đặt câu hỏi đúng quan trọng như thế nào. Nếu một bên liên quan đến gặp bạn với các thắc mắc và bạn chỉ lắng nghe mà không đặt bất kỳ câu hỏi nào, điều đó có thể tạo ra ấn tượng rằng bạn không quan tâm hoặc không gắn bó với những gì họ đang nói. Đặt những câu hỏi chu đáo để đảm bảo rằng bạn thực sự hiểu những gì đang được truyền đạt.
- Bỏ qua cảm xúc cá nhân: Bạn rất dễ bị cuốn vào cảm xúc và ưu tiên của mình khi giao tiếp với ai đó. Để luyện nghe có hiệu quả, bạn cần bỏ lại những thành kiến này. Xử lý và xem xét các thông báo bạn nhận được từ quan điểm khách quan, không quan tâm đến bất kỳ ý kiến cá nhân nào.
Dùng đúng công cụ
Để giao tiếp có hiệu quả nhất, mọi người cần ở trên cùng một kênh. Lấy ví dụ nếu một thành viên trong nhóm không thường xuyên kiểm tra Slack và một thành viên khác không bao giờ tham dự các cuộc họp dự án hàng tuần, thì sẽ có những sự cố liên lạc xảy ra. Khi bạn đã thiết lập khuôn khổ giao tiếp của mình và tất cả các thành viên đều có cùng kỳ vọng, việc dùng các công cụ phù hợp sẽ mang tất cả lại với nhau. Dưới đây là một số ví dụ về các công cụ:
- Cho các việc cần giao tiếp nhanh: đôi khi bạn không cần sự trang trọng của email nhưng cũng không muốn đặt trước cả một cuộc họp để thảo luận về điều gì đó. Khi nói đến các nhu cầu liên lạc không khẩn cấp hoặc ngay cả khi cần nhanh câu trả lời, nhắn tin nhanh là điều tốt nhất và tiếp theo là đến bàn của ai đó để nói chuyện. Các công cụ như Slack hoặc Skype rất phù hợp cho những câu hỏi hoặc thắc mắc thông thường và có lẽ quan trọng nhất là không làm gián đoạn quy trình làm việc của người khác.
- Cập nhật tiến độ dự án: có nhiều công cụ để sử dụng cho việc này. Bạn có thể thiết kế các mẫu template hay dùng các công cụ như Basecamp, nơi bạn có thể đặt thông tin liên lạc và nội dung ở một nơi để thành viên không cần phải mất thời gian tìm kiếm những gì họ cần. Mọi tài liệu, tập tin, thảo luận, nhiệm vụ, thời hạn và thành viên trong nhóm đều có thể được nhìn thấy ở một nơi. Chức năng Bảng tin của Basecamp đặc biệt hiệu để thông báo dự án và cập nhật tiến độ. Lưu ý đây chỉ là một ví dụ. Bạn có thể tìm trên google sẽ có rất nhiều công cụ tương tự (ví dụ Wrike, Jira…)
4/ Kỹ năng quản lý rủi ro trong dự án phần mềm
Giảm thiểu rủi ro của dự án là vô cùng quan trọng
Phát triển phần mềm là hoạt động sử dụng nhiều công nghệ và đòi hỏi trình độ kiến thức cao. Vì những yếu tố này cùng những yếu tố khác, mọi dự án phát triển phần mềm đều chứa đựng những yếu tố không chắc chắn. Đây được gọi là rủi ro dự án. Sự thành công của một dự án phát triển phần mềm phụ thuộc khá nhiều vào lượng rủi ro tương ứng với từng hoạt động của dự án. Là một project manager, chỉ cần nhận thức được những rủi ro là chưa đủ. Để đạt được một kết quả thành công, project manager phải xác định, đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên và quản lý tất cả các rủi ro chính.
Để quản lý rủi ro hiệu quả thực sự cần kinh nghiệm của người quản lý dự án phần mềm. Trước tiên, bạn cần xác định các rủi ro có thể xảy ra cho dự án và hãy làm điều đó càng sớm càng tốt. Có như vậy bạn càng có cơ hội tránh được các nguy cơ ảnh hưởng.
Việc xác định rủi ro phải được tuân theo bởi một kế hoạch quản lý rủi ro bao gồm những việc cần làm đối với chúng. Điều này liên quan đến việc xác định xác suất có thể xảy ra, chi phí, chủ sở hữu (risk owner) và sử dụng các chiến lược giảm thiểu phù hợp (mitigation plan) với rủi ro.
Nâng cao kỹ năng quản lý rủi ro trong dự án
Ngoài kinh nghiệm cá nhân, là một project manager, làm thế nào bạn có thể phát triển kỹ năng quản lý rủi ro của mình? Bạn có thể dựa vào kinh nghiệm của người khác và học hỏi từ những sai lầm cùng những thành công của họ. Thu thập kiến thức từ những người giỏi nhất và sử dụng những sai lầm của họ làm bài học để thúc đẩy quá trình học tập của chính bạn. Ngoài ra, giảm thiểu rủi ro còn là việc nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và học hỏi từ những kinh nghiệm trong của chính bạn quá khứ.
5/Kỹ năng lập kế hoạch
Lập kế hoạch cho dự án phần mềm, bước quan trọng nhất của dự án
Lập kế hoạch là một kỹ năng quan trọng nhất trong quản lý dự án. Trong giai đoạn lập kế hoạch dự án, bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào cũng cần được xác định và đưa ra chiến lược để ứng phó và giải quyết vấn đề. Đưa ra một kế hoạch dự án và truyền đạt tầm nhìn của bạn cho các stakeholders là trách nhiệm chính của bạn. Việc nắm bắt các ràng buộc của dự án như chi phí, phạm vi (scope) và lịch trình sẽ là điều cần thiết.
Việc chọn một mô hình dự án rất quan trọng vì nó sẽ quyết định mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai. Chẳng hạn mô hình Agile việc kiểm tra được tích hợp trong suốt vòng đời phát triển phần mềm (SDLC), cho phép kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng mọi thứ hoạt động chính xác trong quá trình phát triển.
Để lập hoàn chỉnh một kế hoạch dự án phần mềm có rất nhiều vấn đề liên quan cần phải thực hiện và không chỉ giới hạn trong những công việc sau:
- Thiết lập tổ chức dự án: kế hoạch phát triển phần mềm phải mô tả cấu trúc của team dự án, trách nhiệm của các thành viên trong dự án.
- Lập kế hoạch quản lý: mô tả các giai đoạn của dự án phát triển phần mềm cùng các mục tiêu, ước tính khối lượng công việc, nhân lực và các ước tính khác.
- Lập kế hoạch kiểm soát dự án: các hành động và phương pháp tiếp cận mà nhóm và các bên liên quan sẽ thực hiện để giám sát chất lượng của dự án và hiệu quả của đội dự án. Có thể kể đến các vấn đề cần kiểm soát như tuân thủ yêu cầu, ngân sách và nhân lực, chất lượng, rủi ro…
- Bảo trì và hỗ trợ: kế hoạch bảo trì và hỗ trợ sau khi phần mềm được đưa vào sử dụng
- Kế hoạch quản lý rủi ro: đánh giá rủi ro và kế hoạch quản lý những rủi ro đó
- Quản lý stakehoders: xác định vai trò của các stakeholder và các kế hoạch giao tiếp phù hợp.
Làm thế nào để PM phát triển kỹ năng lập kế hoạch?
Như trên đã đề cập, lập kế hoạch dự án là khái niệm rộng và nhiều việc phải thực hiện. Có thể nói là không có một cách duy nhất để thực hiện mọi việc. Do đó, để phát triển kỹ năng này, bạn sẽ cần đa dạng hóa việc học của mình bằng cách:
- Học từ những project managers kinh nghiệm.
- Đúc kết kinh nghiệm từ những dự án của chính mình.
- Những tài liệu về quản lý dự án, lập kế hoạch
- Những khóa học chuyên về lập kế hoạch dự án
- Kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng như làm việc nhóm, đàm phán, tổ chức… trong quá trình lập kế hoạch
Quản lý dự án (phần mềm) không được sinh ra, họ được tạo ra
Quản lý dự án nói chung và quản lý dự án xây dựng phát triển phầm mềm nói riêng là một việc phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Có rất nhiều kỹ năng quan trọng mà bạn phải thật sự giỏi để làm tốt công việc của mình: đàm phán, tổ chức, làm việc nhóm, quản lý kế hoạch, quản lý thời gian, quản lý ngân sách, kỹ năng ra quyết định, giải quyết vấn đề, quản lý chất lượng… nhưng trên hết là 5 kỹ năng được liệt kê trong bài viết này. Để trở thành một người quản lý dự án phần mềm giỏi, thành công trong các dự án mà mình chịu trách nhiệm bạn phải luôn học hỏi, cải thiện và luôn làm mới mình và không nên bằng lòng với những gì mình đang có. Nên nhớ, cũng như những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý dự án không phải sinh ra, họ đã được tạo ra (Project Managers aren’t born, they’re made). Vì vậy, quản lý dự án đôi khi đòi hỏi bạn phải lao động cật lực nhưng cuối cùng sẽ tạo ra trái ngọt cho những ai nỗ lực không mệt mỏi.
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn