Trong bài 5 cấp độ trong lộ trình phát triển của lập trình viên, chúng ta đã biết một trong những vị trí quản lý cấp cao mà một lập trình viên có thể đạt tới là Giám Đốc Công Nghệ (Chief Technology Officer) hay CTO. Nhưng có phải CTO chỉ đi lên từ programmer và trong phạm vi phát triển phần mềm?
Câu trả lời là không. Công nghệ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với tất cả các công ty, bất kể họ thuộc lĩnh vực nào. Khi các công ty cần nhiều các ứng dụng khác nhau để sử dụng hàng ngày và an ninh mạng để bảo vệ thông tin của họ, thì mặc định công nghệ sẽ là trung tâm cho dù đó có phải là công ty công nghệ hay không. Và vì vậy, Giám đốc Công nghệ là một phần quan trọng của công ty.
Nhưng vẫn có một sự nhầm lẫn khi trả lời câu hỏi Giám đốc Công nghệ là gì? Mọi người đều đã nghe nói về CIO (Chief Information Officer) hay Giám Đốc Công Nghệ Thông Tin. Nhưng CTO khác nhau như thế nào? Và trách nhiệm của CTO trong một công ty là gì? Chúng ta hãy cùng tìm câu trả lời.
Giám đốc công nghệ hay CTO là gì?
Nói một cách dễ hiểu, Giám đốc Công nghệ là người chịu trách nhiệm quản lý và thúc đẩy giá trị từ công nghệ trong một tổ chức. Vai trò CTO có thể khác nhau giữa các công ty nhưng thường bao gồm:
- Tầm nhìn và chiến lược công nghệ
- Kiến trúc công nghệ
- Đổi mới sáng tạo công nghệ
- Phát triển phần mềm
- Cơ sở hạ tầng
Các CTO cần có khả năng hiểu các xu hướng công nghệ và có kiến thức kinh doanh cần thiết để điều chỉnh các quyết định liên quan đến công nghệ với kết quả và mục tiêu của tổ chức.
Tùy thuộc vào quy mô và trọng tâm của công ty, vị trí CTO có thể chồng chéo và tương tác với các vai trò công nghệ cấp cao khác như CIO (Giám đốc công nghệ thông tin). CTO cũng có thể đóng vai trò cao cấp nhất và báo cáo trực tiếp cho CEO (Giám đốc điều hành).
Bất kể công ty nào, vai trò CTO thường là tập trung phát triển tầm nhìn công nghệ và chiến lược quan trọng để phát triển hoặc nâng cao sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
Trách nhiệm của CTO
Vai trò CTO có thể khác nhau giữa các công ty, nhưng thường bao gồm nhiều thứ từ tầm nhìn và chiến lược công nghệ đến kiến trúc, đổi mới, phát triển phần mềm và cơ sở hạ tầng.
Các CTO cần hiểu các xu hướng công nghệ và họ cũng cần có kiến thức kinh doanh cần thiết để điều chỉnh các quyết định liên quan đến công nghệ với kết quả và mục tiêu của tổ chức.
CTO có vai trò phát triển tầm nhìn công nghệ và chiến lược và đó là điều quan trọng để phát triển hoặc nâng cao sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
Dưới đây là 5 trách nhiệm chính của một Giám Đốc Công Nghệ:
- Lãnh đạo Công nghệ: phát triển tầm nhìn và chiến lược công nghệ.
- Quản trị công nghệ: xây dựng lộ trình và quản lý việc quản trị và nguồn lực cho danh mục đầu tư về công nghệ
- Đổi mới và R & D: truyền bá về xu hướng công nghệ trong tổ chức và đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên các công nghệ mới
- Phát triển sản phẩm: xây dựng các sản phẩm và dịch vụ phần mềm vướt trội cho khách hàng
- Kinh doanh CNTT: số hóa các hoạt động kinh doanh cốt lõi và vận hành các hệ thống, cơ sở hạ tầng kinh doanh cốt lõi
Kỹ năng và kiến thức cần thiết của một Giám Đốc Công nghệ
Một số kỹ năng phổ biến mà một Giám đốc Công nghệ cần có bao gồm:
- Kỹ năng công nghệ: một CTO phải có kiến thức rộng về tất cả các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ. Điều này bao gồm kiến thức và kinh nghiệm về phát triển phần mềm, lập trình, kiến trúc hệ thống, phát triển sản phẩm, v.v. Ngoài việc biết các khía cạnh cơ bản của công nghệ, một CTO cũng cần sẵn sàng thử nghiệm và hiểu biết về tất cả các công nghệ mới và cách ứng dụng của các công nghệ này để mang lại hữu ích cho doanh nghiệp.
- Kỹ năng kinh doanh: Là một nhà lãnh đạo trong một tổ chức, một CTO phải thể hiện sự hiểu biết của mình về nhu cầu của doanh nghiệp khi phát triển và thực hiện các kế hoạch chiến lược. Để hỗ trợ các kế hoạch này, một CTO phải có kiến thức về các lĩnh vực chủ đề như tài chính, mô hình kinh doanh và quản lý dự án.
- Kỹ năng lãnh đạo: Để các nhóm CNTT hoạt động hiệu quả và hiệu quả, CTO phải thúc đẩy nhân viên của mình làm việc hướng tới một mục tiêu chung. Để đạt được mục tiêu đó, CTO phải ủy quyền rõ ràng trách nhiệm cho các lãnh đạo khác trong bộ phận CNTT đồng thời cung cấp cố vấn khi cần thiết.
- Kỹ năng ra quyết định: Một CTO phải đưa ra các quyết định quan trọng về việc mua công nghệ mới và phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án. Để tuân thủ ngân sách của bộ phận CNTT, một CTO có thể phải tìm cách cắt giảm chi phí, chẳng hạn như dịch vụ thuê ngoài hoặc thay đổi nhà cung cấp bên thứ ba. Sử dụng dữ liệu và thông tin đầu vào từ các nhà lãnh đạo nhân viên, một CTO có thể tự tin đưa ra các quyết định hỗ trợ các mục tiêu của doanh nghiệp.
- Kỹ năng tổ chức: Tùy thuộc vào quy mô của tổ chức, một CTO có thể phải quản lý một số phòng ban, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng mạng, bảo mật và hỗ trợ bàn trợ giúp. CTO đảm bảo rằng các bộ phận này bao gồm chuyên môn phù hợp để làm việc gắn kết với nhau.
- Kỹ năng giao tiếp: Các nhân viên CNTT và giám đốc điều hành cấp cao đều tìm đến CTO để cung cấp hướng dẫn về chiến lược và định hướng công nghệ. Một CTO thành công liên lạc rõ ràng với tổ chức và cũng sẵn sàng nhận phản hồi để tiếp tục cải tiến.
Cần kinh nghiệm bao nhiêu năm để có thể trở thành một CTO?
Không có câu trả lời đơn giản hay dễ dàng cho câu hỏi này. Phải mất một thời gian dài trong nghề công nghệ để có thể đảm nhận vị trí CTO. Cục Thống kê Lao động Mỹ trong một báo cáo cho biết hầu hết các CTO có khoảng 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT trước khi được đảm nhận vị trí này.
Ngoài ra, không có công thức cố định để đạt được điều đó vì nhiều CTO đã từng là kỹ sư phần mềm, quản lý dự án, kiến trúc sư hệ thống, nhà khoa học dữ liệu, v.v. trước khi nhận được vai trò đáng mơ ước này.
Một số ví dụ về thời gian kinh nghiệm của các CTO trong các tập đoàn công nghệ. CTO của Amazon, Werner Vogels, có bằng tiến sĩ về khoa học máy tính với 25 năm kinh nghiệm là nhà khoa học nghiên cứu, trong khi CTO của Facebook và Microsoft, Mike Schroepfer và Kevin Scott lần lượt có bằng MS về khoa học máy tính và cũng có 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ, bao gồm cả việc trở thành kỹ sư phần mềm. Điều đó cho thấy không có con đường rõ ràng để trở thành một CTO và cũng không có một cột mốc thời gian cố định trong sự nghiệp của bạn để có thể trở thành CTO.
Lộ trình để trở thành một Giám đốc công nghệ
Trở thành Giám đốc công nghệ là một mục tiêu không có một lộ trình cố định và có thể gây nhiều bối rối. Tuy nhiên có một số mẫu chung:
- Có bằng cử nhân: Bằng cấp trong lĩnh vực liên quan đến khoa học máy tính sẽ đặt nền tảng kỹ thuật để trở thành CTO và giúp bạn có cơ hội bước vào lĩnh vực ưa thích.
- Có được kinh nghiệm làm việc và ngành có liên quan: Tất cả các CTO đều có kỹ năng kỹ thuật vững chắc cũng như hiểu biết sâu sắc về ngành mình làm việc cùng. Đối với hầu hết CTO, điều đó phát triển trong một thập kỷ hoặc lâu hơn và làm việc thường xuyên ở cùng một công ty hoặc trong cùng một ngành. Để chuẩn bị, bạn cần:
- Thực hiện các dự án trong công việc cho phép bạn mở rộng kỹ năng và để lại cho bạn kiến thức chuyên môn đã được chứng minh trong CV.
- Cân nhắc các cơ hội lãnh đạo trong các nhóm và dự án khi có cơ hội.
- Tiếp tục cập nhật kiến thức, kỹ năng thông qua các chứng chỉ, các chương trình đào tạo thường xuyên, các khóa học áp dụng cho không chỉ chuyên môn kỹ thuật của bạn mà còn cho doanh nghiệp.
- Theo đuổi bằng Thạc sĩ: Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, các giám đốc điều hành cấp C (C-level executive) ngày càng nhiều người có bằng thạc sĩ. Một nghiên cứu năm 2019 từ MIT cho thấy hơn 50% CTO được hỏi có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn. Mặc dù có bằng MBA không phải là điều kiện tiên quyết, nhưng có bằng MBA có thể tạo ra sự khác biệt lớn, đặc biệt nếu bạn xuất thân từ một nền tảng kỹ thuật rất tốt. Trở thành CTO là rất nhiều về việc trở thành một nhà lãnh đạo kinh doanh, một chuyên gia về công nghệ. Nếu bạn không thể chuyển đổi công nghệ thành giá trị doanh nghiệp thì chưa chắc bạn đã thành công.
Chief Technology Officer khác gì với Chief Information Officer?
Các đặc điểm khác nhau giữa hai vai trò này là như sau:
Giám Đốc Công Nghệ Thông Tin – Chief Information Officer (CIO)
- Giữ vai trò là giám đốc cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu của công ty.
- Quản lý các hoạt động CNTT nội bộ
- Đảm bảo đồng bộ hóa các quy trình kinh doanh với công nghệ
- Tập trung vào người dùng nội bộ
- Cộng tác và quản lý các nhà cung cấp giải pháp cơ sở hạ tầng và dịch vụ thuê ngoài
- Hoạch định cơ sở hạ tầng để đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh
- Phát triển chiến lược để tăng lợi nhuận cho công ty
- Là một nhà quản lý có kỹ năng và nhạy bén
Nói chung, CIO chịu trách nhiệm đảm bảo các khoản đầu tư vào CNTT phù hợp với các mục tiêu kinh doanh chiến lược của công ty. Có thể xem CIO người điều hành chính về tài sản thông tin, hoạt động và chính sách liên quan đến IT.
Giám Đốc Công Nghệ – Chief Technology Officer (CTO)
- Đóng vai trò là kiến trúc sư công nghệ hàng đầu của công ty
- Quản lý các nhóm kỹ thuật của tổ chức
- Sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm của công ty
- Tập trung vào khách hàng bên ngoài (người mua)
- Hợp tác và quản lý các nhà cung cấp giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm của công ty
- Điều chỉnh kiến trúc sản phẩm của công ty với ưu tiên kinh doanh được đặc lên hàng đầu
- Phát triển các chiến lược để tăng doanh thu của công ty
- Là một nhà công nghệ sáng tạo và đổi mới
Là cánh tay phải của CIO, CTO chịu trách nhiệm thiết kế và đề xuất các giải pháp công nghệ thích hợp để hỗ trợ các chính sách và chỉ thị do CIO ban hành. Nhờ vậy, CIO có thể kết hợp các công nghệ được khuyến nghị với các mục tiêu kinh doanh chiến lược của công ty. Như vậy, CTO là một chuyên gia công nghệ và tập trung nhiều vào nền tảng công nghệ hơn là một CIO.
CIO và CTO, ai gần với CEO hơn?
Một CTO ít có khả năng tiếp xúc trực tiếp với quản lý cao nhất hoặc tiếp cận trực tiếp với CEO hơn CIO. Nhưng một CTO trong các công ty cung cấp các sản phẩm công nghệ như phần mềm hoặc trong các ngành mà công nghệ là yếu tố cần thiết cho sự thành công của công ty sản phẩm có thể có sự quan tâm của CEO nhiều như CIO, hoặc thậm chí có thể hơn. Nếu bạn đang nói về hoạt động hàng ngày của IT, thì CIO sẽ làm việc chặt chẽ hơn với CEO. Nhưng khi nói đến những gì cần thiết về công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng khách hàng, CTO sẽ nhận được sự chú ý từ Giám đốc điều hành, ngay cả khi người đó ở xa hơn trong hệ thống cấp bậc.
Lương của CTO
Theo PayScale, mức lương cơ bản trung bình cho một CTO là $ 163K tại Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể cao hơn rất nhiều nhờ tiền thưởng và quyền chọn cổ phiếu. Xu hướng tổng thể đối với mức lương CTO đã tăng lên trong 10 năm qua khi công nghệ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với lợi thế cạnh tranh. Có một khoảng cách khá lớn trong những con số này và các yếu tố như địa lý, kinh nghiệm và quy mô công ty đều đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức lương của CTO.
Tại Việt Nam, theo khảo sát và dự đoán của Robert Walters năm 2020, mức lương tháng của các vị trí quản lý như CTO vào khoảng $10,000 – $20,000.
Các vị trí báo cáo cho CTO
Mặc dù CTO thực hiện các kế hoạch ở cấp cao nhất, nhưng đôi khi CTO cũng là người đứng đầu bộ phận. Theo Gartner, các vị trí sau báo cáo cho CTO:
Quản lý nhân tài thường là một trong những thách thức lớn nhất đối với CTO. Ví dụ, mối liên hệ giữa một CTO và các phát triển phần mềm có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trừ khi CTO thể hiện khả năng lãnh đạo kỹ thuật tốt, các kỹ sư hoặc nhà phát triển có thể tạo ra thách thức trong quá trình quản lý dự án, đặc biệt nếu họ đã quen với việc vận hành theo một cách nhất định.
Kết luận
Không thể làm rõ vai trò và trách nhiệm của CTO chỉ trong một bài viết ngắn. CTO là một vị trí nằm giữa kỹ thuật, quản lý vận hành và điều hành. Một CTO giỏi sẽ có một số kinh nghiệm với tất cả những điều này. Đối với sự thành công của các công ty khởi nghiệp công nghệ, các công ty phần mềm lớn, vai trò của Giám đốc Công nghệ là rất cần thiết. CTO lãnh đạo tất cả các vấn đề liên quan đến công nghệ và kiểm soát tất cả các quy trình liên quan nhằm giải quyết các thách thức về sản phẩm phần mềm của công ty.
Mặc dù không phải công ty nào cũng cần CTO, nhưng CTO là người phù hợp nhất để tạo ra sự phù hợp giữa chiến lược về sản phẩm, dịch vụ và chiến lược công nghệ của công ty.
Bài viết có sự tham khảo từ các nguồn sau:
- https://online.maryville.edu/online-masters-degrees/cyber-security/careers/become-a-cto/
- https://www.harbott.com/ultimate-guide-to-the-chief-technology-officer-cto/
- https://blog.quantic.edu/2020/07/01/how-to-become-a-cto-responsibilities-qualifications-and-career-tips/
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn