Bạn có bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ bỏ hết việc full-time để làm một freelance developer? Hoặc bạn muốn làm thêm để kiếm thêm thu nhập khi công không quá bận rộn và bạn có nhiều thời gian rỗi ngoài giờ? Nhưng làm một lập trình viên tự do thì được gì và mất gì? Bạn cần bắt đầu thế nào? Làm thế nào để bạn có thể tìm được dự án? Bạn cần gì để cạnh tranh với các freelancer IT khác? Giá thế nào là phù hợp? Bài viết này mang lại cho bạn câu trả lời.
Được và mất khi làm một Freelance Developer
Có nhiều điều được và mất khi làm một freelance developer, đặc biệt là khi bạn chọn nó như một công việc chính.
Lợi ích của việc làm freelance developer
Dưới đây là 4 lợi ích chính khi bạn là một lập trình viên tự do:
- Cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn: bạn có thể tự sắp xếp công việc và cuộc sống của bạn một cách phù hợp nhất. Tất nhiên không phải điều này lúc nào cũng đúng
- Trở thành ông chủ của chính bạn: trở thành một lập trình viên tự do có nghĩa là bạn có thể làm việc cho chính bạn.
- Tự do: bạn tự do lựa chọn giờ làm việc, chọn khách hàng, đưa ra giá cả phù hợp.
- Cơ hội làm việc với nhiều dự án thú vị: không còn đơn điệu với những công việc lặp đi lặp lại, mỗi tháng có thể có nhiều công việc khác nhau, khách hàng và cơ hội khác.
Bạn mất gì khi làm một lập trình viên tự do?
Được nhiều nhưng mất cũng nhiều và rủi ro không phải là ít:
- Không có thu nhập cố định: thu nhập tùy vào khách hàng bạn tìm được, dự án giá trị cao hay thấp, khách hàng có trả tiền đúng hạn hay không.. và như vậy không thể ổn định như khi bạn làm việc cho một công ty ổn định.
- Bạn phải tự lo máy móc thiết bị của riêng bạn: không ai ngoài bạn mua máy cho bạn để làm freelance developer cả
- Không có bảo hiểm y tế những quyền lợi khác
- Không được đào tạo trả tiền: bạn phải tự học (có phí hay không phí) để nâng cao kiến thức
- Không có các kỳ nghỉ được trả tiền, không teambuilding, không gì cả.
- Tự chịu trách nhiệm: bạn phải tự chịu trách nhiệm với chính mình, khác hàng.. mà không có sự giúp đỡ hay hỗ trợ từ công ty hay những người khác.
Nếu bạn đang chuyển đổi từ một vị trí làm công ăn lương toàn thời gian, trở thành một lập trình viên làm việc tự do, bạn sẽ phải đối mặt với mức độ rủi ro và không chắc chắn (ít nhất là ban đầu) và nó có thể khiến bạn lo lắng. Tùy thuộc vào thành công của bạn trong việc tìm kiếm khách hàng, thu nhập của bạn có thể dao động hàng tháng và bạn sẽ cần phải tự tìm các dự án của mình thay vì đã có sẵn và bạn chỉ thực hiện. Sẽ không có sếp hay đồng nghiệp nào bắt bạn phải chịu trách nhiệm về thời hạn và bạn sẽ phải tự chủ động cộng tác và cam kết với khách hàng của mình.
Để bắt đầu làm một freelance developer
Chọn lĩnh vực mà mình giỏi nhất
Khi làm việc như một freelancer IT, bạn thực sự sẽ cạnh tranh với phần còn lại của thế giới. Một vấn đề cần cân nhắc quan trọng ngay từ đầu là liệu bạn nên chọn một lĩnh vực và chỉ tập trung phát triển một số kỹ năng lập trình thích hợp trong lĩnh vực đó hay đa dạng hóa các kỹ năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cách tốt nhất để trở nên nổi bật và cạnh tranh trong bối cảnh thị trường toàn cầu là trở nên tập trung cao độ và có kỹ năng trong một hoặc hai lĩnh vực chính. Ví dụ: nếu bạn có thể trở nên chuyên môn hóa cao đối với Kotlin, Go hoặc JavaScript frameworks cho các trường hợp sử dụng nhất định, bạn sẽ có khả năng tiếp thị cao hơn và có khả năng tìm được những khách hàng đang tìm kiếm các kỹ năng thích hợp đó.
Tuy nhiên, các kỹ năng lập trình full-stack tổng quát hơn sẽ cho phép bạn tiếp cận với nhiều loại dự án hơn. Kỹ năng tổng quát cũng sẽ quan trọng hơn nếu bạn đang làm việc với các công ty khởi nghiệp về các sản phẩm giai đoạn đầu với ý định mở rộng quy mô. Hoặc bạn làm những dự án không quá lớn và khách hàng không muốn thuê cả một đội ngũ lập trình cồng kềnh. Những khách hàng này có thể sẽ tìm kiếm một người có thể bao gồm tất cả các cơ sở và có kiến thức về giao diện người dùng: HTML, CSS, JavaScript, v.v., và các ngôn ngữ back-end, frameworks, cơ sở hạ tầng máy chủ, DevOps, v.v.
Cho dù bạn quyết định chọn con đường nào thì đó cũng được coi là một lợi ích của một người làm việc tự do. Bạn không bị ràng buộc với bất kỳ công nghệ nhất định nào và có thể tự do thử nghiệm, thử những điều mới và bổ sung các kỹ năng theo nhu cầu thị trường và ý muốn.
Xác định cách tính giá
Ở đây chúng ta không quá đi sâu vào việc bạn nên tính giá bao nhiêu vì còn tùy thuộc vào thị trường, mức độ khó dễ của công việc, kỹ năng cần thiết để thực hiện… Ở đây chúng ta đề cập đến cách tính giá và làm sao để bạn có thể tính giá một cách phù hợp nhất
Có hai cách tính giá căn bản: tính theo giờ và tính theo dự án
-
Tính giá theo giờ
Để xác định giá mình có thể tính cho khách hàng, các bạn có thể tìm những người làm tương tự trên các trang web về freelancer IT như Freelancer, Upwork, Fiverr .. Bạn cũng có thể sử dụng công cụ rate finder của CodeMentorX để tham khảo thêm về mức phí bạn có thể charge.
-
Tính phí cố định theo dự án
Tính phí cố định theo dự án có nhiều lợi ích. Khi chuyên môn của bạn trong lĩnh vực thích hợp ngày càng mở rộng, bạn sẽ có thể hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn. Giả sử bạn thực hiện một dự án với giá 3 nghìn đô la mất 100 giờ để hoàn thành. Điều này tương đương với 30 đô la một giờ. Bây giờ, giả sử bạn nhận một dự án tương tự sau đó vài tháng. Bạn cũng tính với gia 3,000 đô la. Tuy nhiên, lần thứ hai, bạn không phải mất nhiều thời gian tìm hiểu về lĩnh vực của doanh nghiệp và bạn cũng có thể sử dụng lại một số code trước đó của mình. Bạn hoàn thành dự án thứ hai chỉ sau bảy mươi giờ. Điều này có nghĩa là tỷ lệ mỗi giờ của bạn vừa tăng từ 30 đô la lên 42,8 đô la. Giá trị của kinh nghiệm trước đó và việc viết code sẽ bị mất khi bạn chọn tính phí theo giờ. Thực tế là bạn đang sử dụng lại code cũ không có nghĩa là khách hàng thứ hai của bạn đang nhận được ít giá trị hơn. Ngoài sản phẩm bạn thực hiện cho họ, họ cũng đang nhận được lợi ích từ kiến thức chuyên môn có được của bạn trong lĩnh vực của họ. Trải nghiệm này đồng nghĩa với việc khởi chạy mượt mà hơn, ít lỗi hơn, v.v. như vậy, tính phí cố định theo là lợi ích của tất cả mọi người. .
Các chiến lược để xây dựng thương hiệu cá nhân và tìm khách hàng
Khách hàng là cơ sở quyết định khả năng tồn tại của bạn trong thế giới của những freelance developers. Bạn sẽ cần dành thời gian theo đuổi khách hàng tiềm năng, tiếp thị bản thân với khách hàng. Có một nguyên tắc bạn cần chú ý để thu phục khác hàng: Đầu tiên, bạn hãy thực sự giỏi. Thứ hai, hãy nói cho mọi người biết là bạn giỏi. Hãy cùng xem xét các chiến lược làm sao để “nói cho mọi người biết” về mình:
- Tiếp thị bản thân để có được khách hàng trên các kênh về freelancer IT như Freelancer, Upwork, Fiverr hay Vlance . Bạn không còn gắn bó với một doanh nghiệp. Bạn là doanh nghiệp. Nếu khách hàng tiềm năng không biết về doanh nghiệp của bạn, đó là một vấn đề. Bạn cần xây dựng một thương hiệu gây được tiếng vang đối với khách hàng của mình. Bạn có thể xem một vài ví dụ về cách xây dựng thương hiệu cá nhân cá nhân trên Upwork thu hút rất nhiều khách hàng
- Viết blog về chuyên môn của bạn. Trả lời các câu hỏi khách hàng đang hỏi và chia sẻ kiến thức của bạn với các nhà phát triển đồng nghiệp. Đóng góp cho các cộng đồng nhà phát triển cũng sẽ giúp thiết lập bản thân là người đam mê phát triển phần mềm và có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực của bạn. Bạn cũng có thể xây dựng kênh Youtube của riêng mình.
- Cập nhật các phương tiện truyền thông xã hội. Tweet bài viết của bạn và tweet lại những người khác có công việc mà bạn đánh giá cao. Nên nhớ Tweet không phổ biến ở Việt Nam nhưng làm freelance developer, bạn đâu chỉ nhắm tới khách hàng Việt. Đảm bảo rằng LinkedIn của bạn được cập nhật. LinkedIn thường là nơi đầu tiên mà các nhà tuyển dụng và quản lý tuyển dụng tìm đến – luôn hoạt động và chia sẻ công việc của bạn ở đó. Tích cực tham gia cộng đồng developer trên quora cũng là ý tưởng hay.
- Có một hồ sơ trực tuyến đầy đủ thông tin và tích cực tiếp thị bản thân. Hãy sẵn sàng thảo luận về sở thích của bạn, học hỏi, chia sẻ công việc của bạn và hướng mọi người đến các kênh mạng trực tuyến của bạn khi có dịp.
- Đừng ngại trực tiếp yêu cầu khách hàng (những người bạn biết rằng bạn đã hoàn thành công việc tốt) giới thiệu bạn bè và đồng nghiệp có thể cần bộ kỹ năng của bạn. Bạn có thể khuyến khích họ bằng cách đưa ra mức chiết khấu cho các lượt giới thiệu được chuyển đổi thành công thành hợp đồng.
- Dành thời gian cho các dự án nguồn mở hoặc các tổ chức mà bạn quan tâm. Cả hai điều này đều là không bắc buộc nhưng là những cách tốt để tiếp tục phát triển kỹ năng lập trình của bạn trong khi xây dựng danh mục công việc có thể chia sẻ để khách hàng tham khảo.
Ba nguyên tắc giúp một Freelance IT thành công
Làm một lập trình viên tự do cũng như một lập trình viên full-time, mục đích cuối cùng của chúng ta là làm ra tiền và có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, có những nguyên tắc mà bạn cần lưu ý để công việc trở nên có ý nghĩa hơn với vai trò một freelance developer:
- Nghĩ về những giá trị bạn mang lại cho khách hàng: những gì bạn làm cho khách hàng là những giá trị mà bạn mang lại cho họ. Giá mà khách hàng sẵn sàng trả không dựa trên sự gia tăng giá trị mà khách hàng của bạn sẽ nhận được chứ không dựa trên thời gian mà bạn hoàn thành dự án. Bạn làm một trang web tin tức giá 2000 đô la và nghĩ rằng code của mình là tốt nhất trong khi một trang WordPress với giá 1000 đô la cũng mang lại những tính năng và hoạt động tương tự, mang lại doanh thu như nhau. Điều này có nghĩa là trang web “tốt hơn” của bạn không cung cấp nhiều giá trị hơn cho khách hàng mà chỉ tốn nhiều tiền hơn. Hãy nghĩ về giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng.
- Hãy dành thời gian cho các hoạt động có giá trị cao: không phải tất cả các dự án, công việc đều mang lại giá trị như nhau. Bạn làm một dự án với giá 3000 đô la trong 100 giờ sẽ khác với dự án 5000 đô trong 250 giờ.
- Hãy coi việc làm freelancer IT như việc làm chính và toàn thời gian: không nhất thiết bạn thực sự làm việc full-time nhưng quan trọng là phải nghiêm túc với công việc của mình. Bạn cũng cần luôn nghĩ cách để cải thiện sao cho hiệu quả hơn, đầu tư để tìm khách hàng, sử dụng các hệ thống để quản lý công việc freelancer của mình như Trello, Quoteroller, Toggl, Asana.. Đừng ngại tốn một ít chi phí (nếu cần thiết) để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Cập nhật kiến thức
Làm một lập trình viên tự do bạn cũng cần phải học hỏi, cập nhật kiến thức về lập trình, framework, công nghệ… để có thể mang lại những giá trị cao nhất cho khách hàng. Đồng thời tránh cho mình khỏi lạc hậu với sự phát triển của thế giới công nghệ.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu về nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau. Trên thực tế, lập trình chỉ tạo nên một phần công việc kinh doanh của bạn. Các lĩnh vực và kỹ năng khác mà bạn nên học liên tục bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm
- Tài chính cá nhân và doanh nghiệp
- Kỹ năng kinh doanh.
Kết luận
Sẽ là tuyệt vời nếu bạn quyết định theo đuổi công việc Freelance developer. Tuy nhiên cũng không phải ai cũng thàng công nếu bạn không nghiêm túc chuẩn bị và có những kế hoạch cũng như nguyên tắc của riêng mình. Là một lập trình viên tự do nghĩa là bạn làm việc cho chính mình, điều hành một doanh nghiệp “một người” của mình. Mà đã là doanh nghiệp bạn cần chuẩn bị tốt nguồn lực (kiến thức), hệ thống (quản lý công việc), tiếp thị (xây dựng thương hiệu cá nhân) như một doanh nghiệp thực thụ
Chúc bạn thành công!
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn