Bạn có bao giờ nộp đơn vào vị trí software engineer và không được phản hồi nào từ nhà tuyển dụng? Hoặc bạn nhận được thông tin nhưng nội dung thật đáng thất vọng: “Chúng thôi rất tiếc phải thông báo cho bạn…” Khi đó có lẽ bạn sẽ có hàng chục câu hỏi trong đầu: mình chưa đủ kinh nghiệm? mình không phù hợp với vị trí đó? Resume mình có vấn đề? Mình phải làm sao để được gọi phỏng vấn?…
Vậy đâu là lý do? Hãy xem chia sẻ của Dominic White, một người đã có 15 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng software developer. Anh đã từng đọc qua hàng nghìn software engineer Resume và chỉ ra lý do quan trọng: chính nội dung bạn thể hiện trong trong đó. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn những gì nên và không nên viết trong resume, giúp bạn có nhiều cơ hội hơn.
1/ Điều quan trọng nhất: đừng quá phức tạp nếu muốn lọt vào vòng phỏng vấn
Bạn luôn có cơ hội lớn để được chọn vào vòng phỏng vấn. Đây không phải là cơ hội ngẫu nhiên. Tất cả nằm ở cách mà bạn thể hiện trong một trang giấy. Và điều đầu tiên bạn cần chú ý: hãy thể hiện mình một cách đơn giản nhất để nhà tuyển dụng có thể chọn bạn.
Có rất nhiều đơn ứng tuyển được nộp vào một vị trí. Đối với nhà tuyển dụng đọc Resume là một công việc thật nhàm chán. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức để đọc hết các đơn ứng tuyển này vì đa phần chúng không phù hợp.
Các đơn ứng tuyển không phù hợp vì thiếu thông tin, hoặc kinh nghiệm làm việc được mô tả chung chung. Tất cả thông tin nên được trình bày rõ ràng, đơn giản cho nhà tuyển dụng có thể đọc được. Chúng nên là thông tin chi tiết, dễ dàng tìm kiếm. Nếu nhà tuyển dụng khi đọc Resume của bạn mà phải liên lạc với bạn để tìm hiểu rõ hơn một vấn đề nào đó, thì bạn đang làm khó cho họ.
Lấy ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở trong một siêu thị và phải lựa chọn giữa hai loại bánh mì ổ giống hệt nhau. Một loại nằm trên kệ phía trước mặt bạn và loại còn lại là nằm ở phía cuối cửa hàng. Bạn sẽ lựa chọn loại nào? Chắc chắn rằng bạn sẽ chọn loại nằm ở trước mặt mình, bởi vì lấy nó sẽ ít tốn sức hơn.
Hãy làm cho bản thân mình trở thành “ổ bánh mì” được chọn lựa dễ dàng nhất.
2/ Tóm tắt về bản thân hoặc viết thư xin việc
Đây là phần quan trọng nhất của bất cứ một đơn ứng tuyển nào. Và phần lớn các đơn ứng tuyển không bao gồm bản tóm tắt hoặc thư xin việc (cover letter) . Có vị trí tuyển dụng chỉ có 25% số đơn ứng tuyển có đính kèm thư xin việc.
Tại sao cover letter lại quan trọng đến vậy?
Liệu rằng có khi nào bạn sẽ mua một cuốn sách mà bạn chưa từng nghe nói đến, hoặc giả sử cuốn sách này không có phần tóm tắt đằng sau sách? Trừ khi đó là một phần của một khóa học nào đó, còn lại thì câu trả lời sẽ là KHÔNG. Một tóm tắt sách giá trị sẽ cho bạn biết được về giá trị tín nhiệm của tác giả và thôi thúc bạn muốn biết về câu chuyện bên trong nó.
Bản tóm tắt về kinh nghiệm làm việc có liên quan, sẽ tạo cho người đọc nó sự hiểu biết về việc bạn là ai và tại sao bạn là ứng cử viên cực kì phù hợp cho vị trí này.
Nên có gì trong cover letter?
- Tính cách, bản thân bạn. Hãy dùng thông tin này để tỏa sáng. Đừng viết theo cách quá trang trọng về việc bạn là ai.
- Sự nhiệt tình. Giải thích lý do tại sao bạn mong muốn công việc này và công việc này có ý nghĩa đối với bản thân bạn. Trong trường hợp bạn không thể nghĩ ra được bất cứ điều gì – hãy tự hỏi bản thân rằng tại sao bạn lại ứng tuyển?
- Giải quyết tất cả các yêu cầu chính của công việc. Đề cập đến từng yêu cầu công việc và giải thích rằng bạn có thể đáp ứng yêu cầu này như thế nào. Nếu như công việc yêu cầu kinh nghiệm phát triển API, bạn nên nêu rõ kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực này.
- Lưu ý, độ dài không vượt quá một trang. Đây là phần tóm tắt, vì vậy hãy giữ cho nó ngắn gọn, súc tích nhất có thể.
3/ Định dạng và bố trí résume phù hợp
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng và cách trình bày chính là điều đầu tiên giúp bạn ghi điểm trong résume. Trước khi nhà tuyển dụng bắt đầu đọc, phong cách tổng thể được thể hiện trong software engineer Résume sẽ khiến họ nhớ đến bạn.
- Độ dài nên dưới ba trang
- Sử dụng phông chữ, kích thước và cách trình bày hiện đại, nhất quán
- Chia thành các phần. Phần tóm tắt, sự nghiệp, học vấn, sở thích cá nhân
- Chỉ sử dụng PDF. Nó đảm bảo rằng, résume của bạn được giữ nguyên format khi nó được mở ở các máy tính khác nhau.
4/ Cung cấp thông tin của bạn có trên github, bitbucket và stack overflow
Tài năng của một lập trình viên được thể hiện rõ nét nhất ở code mà bạn viết. Hãy đảm bảo rằng bạn đã thêm liên kết vào code của mình. Trong trường hợp bạn không có bất kỳ liên kết nào, bạn nên tạo ra chúng và giữ cho chúng luôn được cập nhật.
Nếu bạn có một tài khoản stack overflow, hãy liệt kê nó ra. Nếu bạn có đóng góp cho các dự án mã nguồn mở, hãy thêm chúng vào résume. Nếu có bất cứ thứ gì có thể hỗ trợ bạn với vị trí mà bạn đang ứng tuyển, hãy đảm bảo rằng chúng đã được liệt kê.
Nếu bạn chưa liệt kê bất kỳ account nào thể hiện tài năng của mình, bạn đang làm khó nhà tuyển dụng. Họ nghĩ, chúng tôi muốn thấy code trước khi chúng tôi đầu tư thời gian để phỏng vấn bạn.
Nếu một nhà tuyển dụng phải liên hệ với bạn để yêu cầu code mẫu, họ sẽ không làm việc đó.
5/ Đừng liệt kê tất cả các công nghệ mà bạn từng sử dụng
Việc liệt kê tất cả các công cụ, công nghệ và kỹ năng bạn từng sử dụng, mới nghe thì có vẻ như là một ý kiến hay, giống như ví dụ dưới đây:
Thực tế, danh sách này chiếm cả trang giấy và đó là một sự lãng phí. Khi bạn được hỏi trong buổi phỏng vấn, sẽ không hay nếu câu trả lời kiểu: “Ba năm trước, tôi từng sử dụng công nghệ trong một dự án kéo dài vài tháng. Tôi không còn nhớ kĩ về nó, tuy nhiên nếu như tôi cần phải sử dụng lại nó, tôi chắc chắn sẽ làm được.” Liệt kê quá nhiều có thể làm hại bạn nếu bạn không thật sự nắm rõ về công nghệ đó.
Cụ thể hóa các kĩ năng của bản thân
Các công nghệ mà bạn đã từng sử dụng nên được ghi chung vào phần tóm tắt và quá trình làm việc của bạn. Chúng nên được đánh dấu như là một phần của những thành tựu của bản thân và bạn nên tìm một lý do rõ ràng để thêm chúng vào.
Lấy ví dụng bạn là một lập trình viên back-end, bạn cũng biết sử dụng HTML và sử dụng các framework JS khác nhau. Tuy nhiên, nó không phải là lĩnh vực chuyên môn của bạn. Trừ khi bạn muốn nhà tuyển dụng chú ý vì vị trí đòi hỏi các kỹ năng về Front-end, bạn nên bỏ qua những công nghệ này và tập trung vào những gì thực sự quan trọng đối với bạn.
6/ Đính kèm link App store hoặc các website, dự án bạn từng tham gia
Nếu như bạn từng làm ứng dụng di động và các ứng dụng này có mặt trên App Store, hãy đảm bảo rằng bạn đã liệt kê các link này.
Nếu như bạn từng làm qua website, hãy dẫn URL.
Bạn cũng không nên chỉ đính kèm đường link, hãy cụ thể hóa các thông tin và mô tả rõ ràng.
7/ Thể hiện chi tiết các công việc mà bạn đã làm
Ở phần này, bạn liệt kê chi tiết về kinh nghiệm của bản thân với vai trò cụ thể. Đây là thông tin quan trọng mà người sếp tiềm năng của bạn sẽ tìm kiếm. Điều này cho họ biết được rằng nếu kỹ năng của bạn phù hợp với những kỹ năng mà họ cần.
Trong thực tế, trong các software engineer resume các ứng viên thường được thể hiện thông tin rất chung chung kiểu:
- Xây dựng ứng dụng di động XYZ trên iOS cho khách hàng uy tín
- Hợp tác để thiết kế và xây dựng REST API XYZ
- Chuyển mockups và thực hiện wireframe thành Front-End code.
Thoạt nhìn thì có vẻ có nhiều thông tin tuy nhiên trên thực tế thì ngược lại. Hãy thử xem xét điều đầu tiên để biết được tại sao lại như vậy. Chúng ta hãy phân tích điểm đầu tiên trong danh sách trên:
Xây dựng ứng dụng di động XYZ trên iOS cho khách hàng uy tín
Điều này chỉ thể hiện với tôi rằng bạn có thể tạo ra một ứng dụng di động iOS, nhưng nó không cho tôi biết chính xác những gì bạn đã làm.
Hãy xem những ví dụ dưới đây, chúng hữu ích hơn nhiều:
- Tôi là lập trình viên iOS kinh nghiệm, đã từng xây dựng ứng dụngdi động XYZ. Trong dự án đó tôi quản lý team gồm 4 lập trình viên.
- Sử dụng Swift 4, tôi phát triển màn hình đăng ký, đăng nhập và quản lý tài khoản và flows cho RESTful API trả về JSON payload.
- Ứng dụng được test tự động đến 80%, sử dụngunit test và Appium.
Chi tiết thể hiện điều gì?
Khi thể hiện cách viết khác đi bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được:
- Bạn có khả năng dẫn dắt một team lập trình viên.
- Bạn là senior developer trong dự án này
- Bạn có thể lập trình Swift 4
- Bạn tự phát triển các màn hình đăng ký, đăng nhập và tài khoản. Nếu bạn có cung cấp liên kết đến ứng dụng trên App Store, nhà quản lý tuyển dụng sẽ tải xuống và nghiên cứu ứng dụng
- Bạn biết cách làm việc với RESTful API và JSON
- Bạn biết automation test.
Tính cách cá nhân
Bạn có nhận thấy được cách thức mà tất cả các chi tiết bổ sung giúp phơi bày tính cách cá nhân của bạn? Bắt đầu nhà tuyển dụng biết được bạn là ai, cách bạn suy nghĩ và những kỹ năng cốt lõi của bạn. Trong đầu của nhà tuyển dụng, một tờ résume dần dần hình thành, hiện ra một hình ảnh của lập trình viên.
Chi tiết làm cho cuộc phỏng vấn trở nên dễ hơn rất nhiều
Bằng cách liệt kê các chi tiết cụ thể trong resume của bạn, bạn đã tự chuẩn bị cho bản thân mình các câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào xung quanh các chi tiết của công việc mà bạn đã từng làm. Nó cũng giúp ích trong việc dẫn dắt các câu hỏi phỏng vấn.
Bạn đã nói rõ về những gì mà bạn đã làm, do đó, người phỏng vấn sẽ không nói đại loại như “Bạn nói rằng bạn đã phát triển một ứng dụng IOS, tuy nhiên thực tế là bạn đã làm những gì?”
Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào những gì mà bạn đã liệt kê và đặt câu hỏi cụ thể xung quanh chúng. Điều này ít nhất sẽ cung cấp cho bạn một số quyền kiểm soát những gì xảy ra trong cuộc phỏng vấn và bạn có thể chuẩn bị thật tốt.
8/ Nêu bật các nguyên và kinh nghiệm thực tiễn.
Bạn sẽ làm cho mình nổi bật so với các lập trình viên khác nếu thể hiện được cách bạn đã áp dụng các nguyên tắc S. O. L. I. D và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.
Ví dụ, hãy chỉ ra cho nhà tuyển dụng bạn nắm vững về design patterns, unit tests, CI, CD. Hãy cho họ thấy bạn biết dùng linter để tìm lỗi, cải tiến code… .
Bất kỳ nguyên tắc nào bạn đã sử dụng, hãy giới thiệu chúng trong résume của mình. Nó chứng tỏ kiến thức sâu rộng về kỹ thuật phần mềm của bạn và cho thấy bạn đã học được những thói quen tốt.
9/ Thêm thông tin về những kỹ năng mà bạn học hỏi được nhiều nhất ở mỗi vị trí công việc
Mỗi vai trò vị trí mà bạn đã trải qua đều có cơ hội để phát triển. Đặc biệt những công việc mà bạn nhận thấy cực kỳ khó khăn hoặc đầy thử thách. Khi nhìn lại bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã học được những bài học quan trọng.
Không chỉ có thành công, chúng ta có thể gặp những thất bại hoặc không đúng theo kế hoạch. Có thể bạn nghĩ những điều này không nên đưa vào resume. Tuy nhiên, bạn nên suy nghĩ lại. Chính sự tự nhận thức và tự điều chỉnh chính thế mạnh rất lớn mà bạn nên liệt kê. Hãy xem một ví dụ dưới đây:
Thời gian hoàn thành dự án là rất khắt khe. Chúng tôi phải thay đổi một số quy trình, không thực hiện unit tests. Chúng tôi cũng phải bỏ qua một số công đoạn thiết kế và tập trung vào các yêu cầu trọng tâm từ business. Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng giúp chúng tôi tìm ra những cách sáng tạo để hoàn thành dự án dù bỏ qua unit tests là một điều không nên làm.
Điều này cho thấy bạn biết cách điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nó cũng cho thấy bạn đã hoàn thành những gì được yêu cầu đề ra dù bằng cách này hay cách khác.
10/ Thay đổi résumé cho các vị trí công việc khác nhau
Một vị trí công việc bất kỳ ở mỗi doanh nghiệp là độc nhất. Vị trí lập trình viên Front-End tại một công ty media nào đó thì khác biệt hoàn toàn so với vị trí đó tại một tập đoàn tài chính.
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều sự khác biệt trong technology stack, các quá trình phát triển, phương pháp linh hoạt, kiến thức về lĩnh vực công nghiệp, các mô hình tham gia, quy trình thực hiện thực hiện, v.v…
Mặc dù bạn đã có thể đã tạo cho mình các résumé hoàn hảo cho một công việc mà bạn ứng tuyển, nó sẽ không bao giờ là résumé tốt nhất cho vị trí công việc tiếp theo. Bạn có thể không cần phải thực hiện nhiều thay đổi, hoặc bạn có thể phải thực hiện rất nhiều. Tuy nhiên bạn cần phải chắc chắn rằng bạn đã liệt kê tất cả các kỹ năng quan trọng và kinh nghiệm phù hợp với vị trí mới.
Giữ một bản thảo résume riêng biệt cho mỗi vị trí ứng tuyển và đặt cho chúng các tiêu đề ý nghĩa để bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng.
11/ Nên có phần dành cho cho sở thích cá nhân
Liệt kê sở thích cá nhân giúp bạn thể hiện bản thân mình rõ ràng hơn. Nó xây dựng một hình ảnh hoàn chỉnh về việc bạn là ai và làm cho bạn trở nên thú vị hơn.
Trừ khi việc đề cập đến sở thích cá nhân của bạn làm chia rẽ hoặc gây mâu thuẩn, còn nếu không thì bạn hãy liệt kê chúng. Các thông tin đó cũng cung cấp cho người phỏng vấn các chủ đề bổ sung để hỏi bạn vào lúc thích hợp.
12/ Hãy trung thực về kỹ năng và kinh nghiệm làm việc
Việc nói không đúng sự thật, “chém gió” về những gì bạn đã làm được để giành cho mình một cuộc phỏng vấn, có thể rất cám dỗ. Trên thực tế, có thể bạn đã không thực sự tạo ra các API mà bạn liệt kê, nhưng bạn ngồi bên cạnh những người đã thực hiện và chắc chắn rằng bạn biết cách họ thực hiện.
Sớm hay muộn, kiểu suy nghĩ đó sẽ được phát hiện ra. Thậm chí nếu bạn né tránh chúng trong các câu hỏi phỏng vấn, bạn sẽ chẳng trốn chạy được nếu bạn nhận được việc và phải thực hiện nó.
13/ Đừng tự nhận bản thân là chuyên gia
Đừng bị cám dỗ bởi suy nghĩ rằng bạn là một chuyên gia trong một lĩnh vực đó. “Chuyên gia” là một thuật ngữ tương đối và đối với mỗi người, định nghĩa đó mỗi khác nhau.
Bạn có thể đã dành 5 năm làm việc mảng C++ và tự cho rằng mình một chuyên gia trong ngôn ngữ lập trình này. Điều gì nếu người đọc resume của bạn đã dành 12 năm mã hóa C++ và họ vẫn không nghĩ về mình như là một chuyên gia? Họ sẽ nghĩ gì về sự khoe khoang của bạn?
Hãy cẩn thận về cách bạn mô tả chính mình. Bạn không muốn bị gọi là kẻ kiêu ngạo đâu.
14/ Kiểm tra kỹ tất cả mọi thứ
Dù bạn có dùng spelling check thì cũng khó mà tìm thấy tất cả các lỗi đánh máy, điển hình như một số thuật ngữ rất cụ thể cho lĩnh vực công nghệ cao. Xem đi xem lại résume của bạn một cách cẩn trọng nhất. Hãy đưa nó cho bạn bè của bạn và yêu cầu họ sửa chữa nếu có thể.
15/ Résume chính là câu chuyện về cuộc đời bạn. Hãy cứ là chính mình
Bất kỳ bài viết nào cũng được đánh giá bởi cách thức mà nó được viết, cảm giác của người đọc, và résume của bạn cũng không khác gì.
Khi bạn đọc résume của chính mình, bạn cần phải nhận thức được những cảm xúc của bạn. Hãy tự hỏi một cách rõ ràng “Tôi cảm thấy như thế nào”?
Đây là câu chuyện của bạn, cuộc hành trình của bạn.
Bạn nên cảm thấy niềm tự hào và phấn khích về những gì bạn đã làm. Nếu bạn làm điều này, người đọc résume cũng cảm nhận thấy.
Tuy nhiên, sẽ có trường hợp bạn thấy xấu hổ do thiếu thành tích hoặc bạn không thể tìm thấy bất cứ điều gì khiến người khác quan tâm đến những gì bạn đã làm được. Bạn nên xem lại, luôn có những điều khiến bạn tự hào.
Mỗi người có một câu chuyện thú vị cho riêng mình
Có những người rất có duyên khi kể chuyện, tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Chúng ta có thể tạo ra một câu chuyện vui, đầy thích thú khi đi siêu thị, trong khi đó có những người khác thậm chí không thể làm cho chúng ta thấy hào hứng với câu chuyện của họ kể về chuyến leo núi Everest.
Nếu như résume không có gì nổi bật, bạn không có hứng thú, hãy tìm sự trợ giúp từ ai đó. Hãy nhờ bạn bè đọc, hoặc lựa chọn một dịch vụ chuyên làm résume hoặc đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp. Họ sẽ giúp bạn
Kết luận
Viết Software Engineer Resume là một việc không hề dễ dàng. Bạn hãy đọc kỹ bài viết và tìm cho mình những điểm cần phải cải thiện để có thể kể một câu chuyện về mình một cách đơn giản nhưng đầy đủ, thể hiện được kinh nghiệm thực tế, kỹ năng bạn có… để có thể thành công khi tìm một công việc mới.
Tham khảo bài viết gốc tại đây
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn