Thế giới IT thật rộng lớn. Bạn không thể biết hết được mọi công nghệ, vị trí, lĩnh vực hay ứng dụng có trong ngành này. Ngay cả với các đồng nghiệp trong team hay cùng một công ty, liệu bạn có biết hết họ đang làm gì một cách chi tiết? Trong bài viết dưới đây ITGuru mang đến cho bạn một số thông tin thú vị về một phần mềm khá ít người biết đến: phần mềm bảo trì thiết bị. Trong bài viết ngoài thông tin về phần mềm bạn còn có thể tìm được những thông tin liên quan đến những vị trí công việc liên quan đến phần mềm này. Bài viết do anh Trần Quốc Việt là một chuyên gia tư vấn phần mềm quản lý tài sản hiện đang sống và làm việc tại Melbourne, Úc gửi đến cho ITguru.vn. Trước khi chuyển ra nước ngoài làm việc, anh có nhiều kinh nghiệm làm việc ở vị trí Solution Architect và Project Manager trong việc tư vấn triển khai phần mềm quản lý tài sản cho nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Phần mềm bảo trì thiết bị là gì?
Phần mềm bảo trì thiết bị (Computerized Maintenance Management System – hay còn gọi tắt là CMMS) là các hệ thống cung cấp chức năng quản lý danh mục máy móc/thiết bị, lên lịch thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Phần mềm CMMS ra đời khá sớm, từ khoảng giữa những năm 1960, ngay sau khi các hệ thống máy tính bắt đầu được ứng dụng để phục vụ các quy trình quản lý cho doanh nghiệp. Tại thời điểm đó, hệ thống phần mềm CMMS cho phép các nhà máy theo dõi danh mục thiết bị máy móc, và lập lịch thực hiện công việc bảo dưỡng theo kế hoạch đã định trước. Sau nhiều năm phát triển, mô-đun quản lý kho được bổ sung cho phép quản lý phụ tùng thay thế và vật tư tiêu hao sử dụng cho công tác sửa chữa. Theo đó là mô-đun quản lý chuỗi cung ứng giúp đảm bảo vật tư, phụ tùng luôn sẵn sàng cho công việc, giảm thiểu thời gian dừng máy gây gián đoạn sản xuất. Các mô-đun khác như quản lý hợp đồng, thanh toán v.v… cũng dần được bổ sung. Khái niệm quản lý thiết bị cũng được mở rộng, cho phép quản lý cả tài sản vô hình (VD: các hệ thống IT, Viễn Thông, Bản quyền Phần mềm v.v..). Với tất cả các chức năng đó, phần mềm CMMS phát triển thành hệ thống quản lý tài sản doanh nghiệp (Enterprise Asset Management system – gọi tắt là EAM).
Phần mềm bảo trì thiết bị có phải là phầm mềm quản lý tài sản hay ERP?
Khái niệm quản lý tài sản này thường bị hiểu lẫn sang khái niệm quản lý tài sản EAM (Enterprise Asset Management) của lĩnh vực tài chính kế toán. Đối với các phần mềm tài chính kế toán, chức năng quản lý tài sản thường chỉ là một mô-đun chức năng nhỏ tập trung vào quản lý giá trị và khấu hao. So sánh giữa hệ thống phần mềm EAM và phần mềm ERP, các quy trình căn bản của EAM xoay quanh việc quản lý công việc bảo dưỡng với phần lõi là danh mục máy móc thiết bị; còn phần mềm ERP xoay quanh việc quản lý chuỗi tài chính và nguồn lực với phần lõi là các mô-đun quản lý tài chính kế toán và mô-đun quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. EAM thường là phần mềm chiến lược của các doanh nghiệp khai thác vận hành, còn ERP thường là phần mềm chiến lược của các doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách định nghĩa đơn giản cung cấp cho người đọc một cách hiểu tổng quan về phần mềm EAM. Trong thực tế, có khá nhiều phần mềm EAM có cả mô-đun tài chính kế toán và được sử dụng như là một hệ thống ERP tổng thể cho doanh nghiệp, và ngược lại, các phần mềm ERP lớn như Oracle hay SAP cũng có mô-đun quản lý bảo trì, bảo dưỡng. Vì vậy, giữa hai hệ thống phần mềm EAM và ERP, có sự trùng lặp khá lớn về các quy trình chức năng.
Có những phần mềm bảo trì nào thông dụng ở Việt Nam?
Hiện nay ở Việt Nam, hệ thống EAM đang được sử dụng rộng rãi nhất là phần mềm Maximo của hãng IBM, đặc biệt là trong các ngành dầu khí và điện lực. Maximo là một trong vài phần mềm EAM hàng đầu trên thị trường hiện nay. Ngang hàng với Maximo có thể kể đến phần mềm của hãng Info, và mô-đun quản lý bảo dưỡng của SAP. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như thiếu đơn vị triển khai có kinh nghiệm (Info) hay do giá bản quyền sử dụng quá cao (SAP), hai phần mềm này không được sử dụng rộng rãi như Maximo của IBM.
Ngoài ra, trên thị trường cũng có một số phần mềm bảo trì bảo dưỡng do các đơn vị trong nước xây dựng và được sử dụng khá phổ biến trong ngành sản xuất. Các phần mềm này đáp ứng được những chức năng phổ thông, có chi phí bản quyền và giá thành triển khai thấp, do vậy phù hợp hơn với đối các đơn vị có ngân quỹ nhỏ dành cho công tác bảo dưỡng.
Các vị trí công việc liên quan đến phần mềm này
Tại Việt Nam, do mức độ phân hóa trách nhiệm chưa cao, công việc liên quan đến phần mềm Maximo có vài vị trí căn bản bao gồm:
- Chuyên viên tư vấn nghiệp vụ (Functional Consultant): đây là người am hiểu chức năng phần mềm cũng như am hiểu về các quy trình, nghiệp vụ liên quan. Yêu cầu kỹ năng cho vị trí này khá giống với vị chí chuyên viên phân tích (Business Analyst) bao gồm các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích, và kiến thức về quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, vị trí Functional Consultant thường đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm thực tế, các hoạt động trong công việc cũng rộng hơn, bao gồm cả làm việc trực tiếp với khách hàng, đào tạo và hỗ trợ người dùng. Và trong nhiều trường hợp, cũng cần phải thực hiên một số các công việc kỹ thuật, cấu hình đơn giản
- Chuyên viên tư vấn kỹ thuật (Technical Consultant): vị trí này tập trung nhiều vào các hoạt động kỹ thuật như cấu hình, tùy biến phần mềm, hoặc tích hợp với các phần mềm khác. Mặc dù làm việc nhiều ở góc độ kỹ thuật hơn, nhưng vị trí này cũng đòi hỏi phải làm việc trực tiếp với khách hàng, do đó cũng có những đòi hỏi nhất định về khả năng giao tiếp, và kinh nghiệm thực tế. Ngôn ngữ lập trình cho Maximo là Java, do vậy để tùy biến phần mềm cần biết lập trình Java. Tuy nhiên, với các phiên bản mới hiện nay, rất ít các yêu cầu tùy biến cần đến lập trình Java. Thay vào đó, các kỹ thuật viên thường lập trình bằng ngôn ngữ scripting như Python, Javascript. Yêu cầu về kỹ năng lập trình khá đơn giản, và việc lập trình thường chỉ chiếm không tới 10-20% tổng thời gian làm việc của một chuyên viên tư vấn kỹ thuật. Các hoạt động khác của một chuyên viên tư vấn kỹ thuật có thể bao gồm làm việc với khách hàng để phân tích yêu cầu, hoặc tư vấn giải pháp, viết tài liệu, cấu hình, quản trị phần mềm, xây dựng báo cáo v.v…
- Quản trị viên (System Administrator): vị trí này thường làm việc cho các đơn vị sử dụng phần mềm. Người quản trị viên thường chỉ cần các kỹ năng kỹ thuật căn bản, đủ để có thể quản lý phần mềm hoặc tư vấn cho người dùng cuối về cách sử dụng phần mềm. Quản trị viên cần có hiểu biết tốt về chức năng phần mềm, cũng như am hiểu về quy trình nghiệp vụ vận hành nhà máy. Ngoài ra, tùy thuộc vào trách nhiệm của từng vị trí, quản trị viên cũng cần các kỹ năng khác như khả năng giao tiếp, khả năng quản lý dự án và quản lý đơn vị triển khai v.v…
Ngoài ba vị trí trên, cũng có một số vị trí khác như Chuyên viên tư vấn giải pháp (Solution Architect, Pre-Sales Consultant), Quản trị dự án v.v… Có thể nói, tất cả các vị trí này đều bắt nguồn từ khái niệm tư vấn triển khai, do vậy yêu cầu về kỹ năng kỹ thuật có thể không quá sâu, nhưng đều đòi hỏi phải nắm tốt quy trình, nghiệp vụ liên quan đến quản lý thiết bị và quản lý công việc bảo trì bảo dưỡng.
Cơ hội làm việc với phầm mềm bảo trì thiết bị
Tại thời điểm hiện tại, số lượng công việc liên quan đến phần mềm Maximo tại Việt Nam có thể nói là không nhiều do đây có thể coi là một mảng thị trường ngách và không có nhiều đơn vị triển khai. Các doanh nghiệp sử dụng phần mềm nếu có nhu cầu thì cũng không tuyển dụng được người có sẵn kinh nghiệm về Maximo trên thị trường. Do vậy, nếu có nhu cầu, các đơn vị này thường tuyển kỹ sư IT có kỹ năng căn bản phù hợp, và có chút kinh nghiệm liên quan đến các phần mềm quản trị doanh nghiệp khác (ERP, SCM) sau đó sẽ đào tạo thêm về nghiệp vụ EAM. Do đây là công việc có tính chuyên môn khá cao, các vị trí này thường có thu nhập cao hơn mặt bằng chung. Các bạn làm việc trong lĩnh vực IT nếu dự định ứng tuyển vào vị trí làm việc liên quan đến Maximo thì có thể tìm kiếm nguồn tài liệu và thông tin trên Internet để tự nghiên cứu. IBM có chia sẻ rất nhiều các tài liệu liên quan đến phần mềm trên các trang web chính thức và trên youtube. Ngoài ra, có khá nhiều trang blog của các cá nhân khác cũng cung cấp nhiều thông tin chi tiết đủ để phục vụ cho công việc:
- Về quy trình nghiệp vụ và chức năng phần mềm: https://maximosecrets.com/
- Hướng dẫn về tùy biến và tích hợp cho Maximo: https://bportaluri.com/
- Ngoài ra, trên blog cá nhân tác giả bài viết này cũng có một loạt các video hướng dẫn đào tạo căn bản về quy trình và triển khai phần mềm: http://vietmaximo.blogspot.com/2016/11/maximo-immersion-training.html
Tương lai của phần mềm này tại thị trường Việt Nam
Tại Việt Nam, đa phần mọi người đều có nghe qua phần mềm ERP, nhưng phần mềm EAM thì không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, có thể nói, đối với các doanh nghiệp khai thác và vận hành, phần mềm EAM có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất khai thác máy móc, tránh gián đoạn sản xuất, và đảm bảo an toàn. Với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, các nhà máy, công trình lớn sử dụng công nghệ phức tạp được đang được liên tục được xây dựng thêm. Ví dụ như các hệ thống metro, nhà máy lọc dầu, nhiều nhà máy sản xuất lớn của các công ty đa quốc gia v.v… do vậy nhu cầu về phần mềm EAM chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong những năm tới. Mặc dù ngành dầu khí trong vài năm qua có những biến động theo thị trường giá dầu thế giới, sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ cao khác sẽ kéo theo sự mở rộng thị trường cho phần mềm Maximo nói riêng và các phần mềm EAM nói chung khác.
Ngoài ra, cũng phải phải nói thêm, mặc dù là một phần mềm rất tốt, giàu chức năng, và dễ tùy biến/mở rộng, Maximo cũng là một phần mềm có giá thành rất cao so với khả năng đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, do vậy hiện nay đang có một khoảng trống khá lớn trên thị trường dành cho mảng phần mềm này. Các đơn vị phát triển phần mềm CMMS tại Việt Nam hiện tại nếu có thể nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của thị trường; hoặc các đơn vị tư vấn triển khai nếu biết lựa chọn và đưa về Việt Nam một sản phẩm phần mềm nhỏ có chất lượng đủ tốt và có giá thành hợp lý, chắc chắn sẽ tận dụng được cơ hội này để gia nhập và mở rộng thị trường.
Bạn có câu hỏi gì về phần mềm bảo trì thiết bị hãy để lại comment bên dưới.
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn