Brian Acton, người sáng lập WhatsApp, đi tìm việc năm 2009. Mặc dù đã có kinh nghiệm làm việc tại Yahoo và Apple, nhưng không ai muốn tuyển anh. Trong danh sách các công ty từ chối anh có cả Twitter và Facebook.
Phần còn lại là lịch sử. Cùng với Jan Kuom, Acton xây dựng ứng dụng nhắn tin WhatsApp và cuối cùng đã được Facebook mua lại với số tiền khổng lồ 19 tỷ đô la.
Nhưng tại sao những người xuất chúng như Brian cũng có thể bị bỏ qua? Có rất nhiều nguyên nhân và dưới đây là 8 lý do trong nhiều lý do các công ty không tuyển được các lập trình viên giỏi.
# 1: Nhà tuyển dụng và ứng viên lệch pha khi phỏng vấn
Hãy tưởng tượng, trong một trong những cuộc phỏng vấn, những người phỏng vấn đưa ra câu hỏi cho ứng viên: “Bạn sẽ đề xuất triển khai chương trình cloud backend như thế nào cho hệ thống đặt chỗ của khách hàng?”
Nhanh chóng, ứng viên mô tả tất cả các thuật ngữ dành riêng cho nền tảng AWS. Ứng viên thấy mình làm rất tốt. Tuy nhiên cuối cùng lại bị đánh rớt. Nhà tuyển dụng nói rằng họ mong đợi ứng viên đi từ nền tảng, thay vì đi sâu ngay vào kỹ thuật chi tiết, kiểu như:
- Tại sao lại chọn giải pháp cloud? Các lợi ích của việc chọn giải pháp này là gì?
- Dịch vụ cụ thể nào cung cấp những lợi ích đó…
Đối với nhà tuyển dụng đó, việc tạo ra một kịch bản khả thi trước tiên là điều quan trọng hơn là đề xuất các giải pháp kỹ thuật chi tiết. Họ có thể nói rằng đây là cơ hội để ứng viên thể hiện kinh nghiệm thực tế hơn là nói về những thuật ngữ kỹ thuật lý thuyết.
Ngược lại, có một số trường hợp nhà tuyển dụng từ chối ứng viên vì lý do không cụ thể. Ví dụ khi họ hỏi về các kỹ thuật tối ưu hóa cho một ứng dụng di động với hàng triệu bản ghi mới hàng ngày. Ứng viên nói với họ về dữ liệu redaction, GraphQL, chiến lược push/pull và tốc độ làm tươi (refresh rate), thì họ lại mong đợi ứng viên nói về thuật toán O (1) về tìm kiếm trên thiết bị di động.
Trong các ví dụ trên, rõ ràng là nhà tuyển dụng đã không rõ ràng trong các câu hỏi của họ khi phỏng vấn tuyển dụng lập trình viên. Và câu trả lời không đúng mong muốn có thể làm vuột mất người tài mà lẽ ra đã thuộc về họ
# 2 Qui trình phỏng vấn có vấn đề
Đây là một vấn đề lớn mà nhiều công ty không quan tâm. Có rất nhiều công ty không tuyển được lập trình viên giỏi đã cho rằng họ đã phỏng vấn theo cách họ làm lâu nay và nó đã hiệu quả với họ trong quá khứ
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các công ty không nhận ra hoặc nhận ra mà không tìm cách khắc phục, đó là quá trình phỏng vấn của họ diễn ra quá lâu. Trong thời điểm mà nguồn cung ít hơn cầu, hãy nhớ rằng các kỹ sư giỏi xuất hiện trên thị trường là hàng hiếm. Một ứng viên quan tâm đến công ty của nào đó không có nghĩa là không có công ty nào khác quan tâm đến ứng viên đó và có thể gửi lời đề nghị hấp dẫn đến ứng viên đó sớm hơn. Điều quan trọng là cần tiến hành một cách nhanh chóng để giữ mối quan tâm đến công ty. Một số công ty có quá nhiều bước trong quá trình phỏng vấn của họ khiến ứng viên mất nhiều thời gian và thay đổi suy nghĩ của họ về công ty của bạn và theo đuổi các cơ hội khác.
# 3 Người phỏng vấn thiếu nhiệt tình.
Nếu bạn đang phỏng vấn một ứng viên mà bạn muốn tuyển dụng, điều quan trọng là phải cho ứng viên thấy lý do họ nên làm việc cho công ty của bạn, không chỉ qua lời nói mà cả thái độ. Nếu bạn không nhiệt tình với công ty của mình, tại sao họ lại hào hứng chọn công ty của bạn? Ứng viên có thể tự rút lui do người phỏng vấn họ đã nói chuyện với họ thiếu năng lượng hoặc thiếu sự ràng buộc. Người phỏng vấn là người mà ứng viên sẽ gặp gỡ đầu tiên và nếu ứng viên không có ấn tượng tốt ban đầu, rất có thể họ sẽ không muốn làm tiến sâu hơn. Các ứng viên cũng không muốn cảm thấy như họ đang bị thẩm vấn, rõ ràng là họ mong đợi bạn đặt những câu hỏi kỹ thuật – nhưng đừng hỏi theo cách khiến họ cảm thấy không thoải mái, họ đã sẵn sàng rời khỏi cuộc phỏng vấn.
Nhà tuyển dụng cũng cần tạo ra sự hứng thú cho các ứng viên khi phỏng vấn. Ngay cả khi người tuyển dụng không ấn tượng với ứng viên – họ vẫn nên đảm bảo mọi người đều có trải nghiệm tốt với công ty khi phỏng vấn. Trải nghiệm không tốt dẫn đến các đánh giá về phỏng vấn không tốt trên mạng xã hội, các trang web đánh giá công ty. Điều này sẽ làm giảm cơ hội tìm kiếm các ứng viên tốt muốn làm việc cho công ty của bạn.
# 3 Không chấp nhận các đánh giá không tốt về công ty
Thật khó có ứng viên nào mà không nghiên cứu về công ty trước khi phỏng vấn. Nhiều ứng viên sẽ tự rút lui khỏi quá trình phỏng vấn nếu họ thấy quá nhiều đánh giá tiêu cực về công ty trên mạng. Sẽ luôn có những đánh giá không tốt ở đâu đó, và nhà tuyển dụng cần phải chuẩn bị để thừa nhận chúng với mọi ứng viên. Những người viết đánh giá có xu hướng là những người đã có trải nghiệm tồi tệ, không phải là những người đã có trải nghiệm tốt đối với công ty.
Đừng cố che đậy những đánh giá không tốt. Thật không may là các ứng viên có xu hướng tin tưởng vào những gì họ đọc trực tuyến cho dù thông tin có được cập nhật hay có đúng sự thật hay không. Thừa nhận những đánh giá không tốt trong cuộc phỏng vấn để giúp ứng viên cảm thấy thoải mái. Họ sẽ đánh giá cao điều đó khi bạn trung thực và thẳng thắn với họ. Nhấn mạnh lý do tại sao bạn làm việc ở đó và nếu có thông tin đánh giá không phản ánh tình trạng hiện tại của công ty, hãy cập nhật chúng về những thay đổi mà công ty của bạn đã thực hiện kể từ khi những đánh giá đó được đăng.
# 4 Thiếu tổ chức.
Việc thiếu tổ chức là một trong những cách tồi tệ nhất để đánh mất một ứng viên giỏi vì nó dễ dàng khắc phục. Những điều nhỏ như đảm bảo rằng người người phỏng vấn có mặt đúng giờ để phỏng vấn, chuẩn bị tốt và sẵn sàng tham gia. Nếu người phỏng vấn đã cam kết về thời gian, hãy đảm bảo thời gian đó đúng với lịch trình đã đặt ra. Hãy nhớ rằng các ứng viên cũng đang dành thời gian quý báu của họ và nếu vì lý do nào đó phải dời lịch phỏng vấn, hãy tham khảo thời gian của ứng viên. Nếu bạn không có thời gian, đừng lên lịch cho họ. Khi bạn lên lịch phỏng vấn 4-5 lần khác nhau cho một ứng viên – họ sẽ mất hứng thú và khó chịu nếu họ phải lục tung lịch trình của mình để dành thời gian cho bạn.
# 5 Phản hồi chậm trễ.
Chậm trễ trong việc phản hồi cho ứng viên cũng là một lý do để mất các ứng viên giỏi. Nếu ứng viên phải đợi quá lâu, họ có thể cho rằng nhà tuyển dụng thật sự không quan tâm đến họ. Chờ đợi quá lâu cũng là một bước lùi vì ứng viên sẽ mất hứng thú và tiếp tục theo đuổi các cơ hội khác trong thời gian chờ đợi. Mỗi ngày nhà tuyển dụng không đưa ra phản hồi sau cuộc phỏng vấn, khả năng nhà tuyển dụng đánh mất ứng viên đó cũng sẽ tăng lên. Việc chờ đợi quá lâu để nhận một lời đề nghị sau cuộc phỏng vấn cuối cùng cũng sẽ khiến ứng viên cảm thấy bị tổn thương. Hầu hết các ứng viên sẽ ngừng tham gia phỏng vấn sau khi họ nhận được và chấp nhận một đề nghị chính thức từ một công ty mà họ ưng ý. Nếu ứng viên không có trong tay một lời đề nghị chính thức, họ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở các công ty khác và khả năng bị vuột mất họ là cao
# 6 Không đủ thuyết phục
Lý do tại sao vị trí ở công ty của bạn đang tuyển sẽ phù hợp với ứng viên là yếu tố quan trọng để tìm được người tài. Đây là lý do tại sao phải hiểu mọi khía cạnh trong quá trình tìm kiếm việc làm của ứng viên, để bạn có thể giải quyết những điểm phù hợp với sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của họ.
Các yếu tố phổ biến ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận lời đề nghị của ứng viên bao gồm khả năng phát triển tiềm năng, văn hóa làm việc, giờ giấc linh hoạt, cân bằng công việc, cuộc sống, gói phúc lợi, cố vấn, khả năng học hỏi và làm việc với công nghệ tiên tiến, sản phẩm mà họ sẽ làm việc, mục tiêu dài hạn của công ty, v.v. Khi bạn hiểu điều gì quan trọng đối với từng ứng viên, bạn có thể sử dụng thông tin đó bằng cách nhấn mạnh những gì công ty của bạn cung cấp phù hợp với vị trí lý tưởng của họ.
# 7 Cho ứng viên thời gian quá dài để suy nghĩ về offer
Sẽ là ý tưởng hay nếu công ty đưa ra thời hạn cho ứng viên phải trả lời về offer mà công ty đưa ra .Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng khung thời gian là không quá dài. Có công ty đưa ra một khoảng thời gian dài cho các thư mời ứng tuyển, thậm chí có khi lên đến 2-3 tuần trước khi ứng viên phải đưa ra quyết định cuối cùng. Bằng cách làm này, họ đã giúp ứng viên có thêm thời gian để phỏng vấn với các công ty khác hoặc tìm kiếm điều gì đó tốt hơn trong thời gian chờ đợi. Các công ty có tỷ lệ chấp nhận cao hơn chỉ đưa ra thời hạn không quá một tuần để ứng viên chấp nhận. Lý do là, nếu ứng viên nếu đã thấy phù hợp với vị trí và công ty họ dự phỏng vấn, quyết định sẽ dễ dàng. Nếu nhà tuyển dụng đã cung cấp cho họ tất cả thông tin cần thiết để họ đưa ra quyết định, thì ứng viên hẳn đã có câu trả lời cần thiết để họ đưa ra quyết định trước khi nhận được đề nghị chính thức.
# 8 Offer không đủ cạnh tranh.
Khi có một kỹ sư phần mềm giỏi đi tìm việc, nếu họ thực sự giỏi, rất có thể bạn không phải là công ty duy nhất quan tâm đến họ.
Nhu cầu về nhân tài ngày càng tăng và các công ty cần đảm bảo rằng họ đang cạnh tranh để thu hút và giữ chân các ứng viên kỹ thuật. Do nhu cầu tăng lên nên mức lương để thu hút những loại ứng viên này cũng ngày càng tăng. Tiền không phải là lý do chính khiến ai đó muốn làm việc cho công ty của bạn, nhưng bạn cần biết ứng viên đang tìm kiếm điều gì trong gói lương thưởng tổng thể của họ để hiểu những gì cần làm để lời đề nghị của bạn được chấp nhận. Nhà tuyển dụng cần tìm hiểu xem các công ty khác đang cung cấp những gì cho cùng một loại ứng viên, đừng chỉ dựa vào thông tin trực tuyến như mức lương trung bình v.v. Hãy luôn đưa ra đề nghị tốt nhất có thể.
Kết luận
Không bao giờ có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra khi đưa ra một lời đề nghị cuối cùng cho một ứng viên, nhưng có một số điều mà nhà tuyển dụng có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị các lập trình viên giỏi từ chối các offer. Nếu bạn xác định được một ứng viên tốt, tiến hành quy trình nhanh chóng và hiệu quả, tránh sự lệch pha trong phỏng vấn, hiểu lý do tại sao họ quan tâm đến công ty của bạn so với mọi công ty khác ngoài đó, hãy tự tin rằng công ty của bạn có thể cung cấp những gì cạnh tranh và phù hợp với mục tiêu dài hạn của ứng viên, và đảm bảo tất cả mọi người tham gia vào quá trình tuyển dụng đều đưa ra phản hồi để ứng viên nhận thức được sự quan tâm đối với họ, giúp họ có thêm động lực để muốn làm việc cho công ty của bạn.
Nguồn ảnh: Photo by JESHOOTS.COM on Unsplash
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn