Để có được một cuộc phỏng vấn kỹ thuật thường không đơn giản, đặc biệt là khi không phải người phỏng vấn nào cũng có đủ kỹ năng chuyên môn hoặc các kỹ năng tương ứng mà họ cần ở ứng viên. Vì vậy việc chuẩn bị để có thể đánh giá đúng ứng viên là vô cùng cần thiết.
Mỗi công ty thực hiện các cuộc phỏng vấn công nghệ khác nhau. Nhưng nhìn chung, có một số điểm chung cần chú ý để các cuộc phỏng vấn mang lại hiệu quả cao nhất. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng điểm qua 6 bước có thể giúp nhà tuyển dụng thực hiện một cuộc phỏng vấn kỹ thuật hiệu quả.
1- Chọn kỹ ứng viên và chỉ phỏng vấn số ít
Điều này nghe có vẻ phản trực giác vì bạn có thể nghĩ rằng nhiều cuộc phỏng vấn hơn dẫn đến việc có nhiều chọn lựa hơn, hoặc tuyển được nhiều hơn. Tuy nhiên, bước đầu tiên để thực hiện các cuộc phỏng vấn một cách hiệu quả là hạn chế số lượng. Điều này cho phép bạn tập trung vào những ứng viên có tiềm năng nhất và không lãng phí thời gian vào những người không phù hợp với tiêu chí trong mô tả công việc.
Theo một báo cáo của website tuyển dụng Jobvite thì tỷ lệ ứng viên chuyển sang giai đoạn phỏng vấn vào khoảng 12%, có nghĩa là cứ 8 ứng viên thì có 1 người được mời phỏng vấn. Điều này là do các công ty hiện ngày càng hiệu quả hơn trong việc lựa chọn ứng viên đến phỏng vấn nhờ vào việc sử dụng dữ liệu và tự động hóa
Nếu tỷ lệ ứng viên đến các cuộc phỏng vấn của bạn cao hơn 12%, bạn cần phải đánh giá quy trình của mình về các công cụ tự động hóa và có thể phải đưa ra các thay đổi.
Một khía cạnh khác đáng nói là số lượng cuộc phỏng vấn bạn cần thực hiện để đưa ra lời đề nghị. Theo Nghiên cứu của nhà tuyển dụng MRINetwork năm 2017, hơn 50 phần trăm nhà tuyển dụng cho biết số cuộc phỏng vấn trung bình là ba cuộc trước khi một lời đề nghị được đưa ra. Điều thú vị là các ứng viên cũng cho rằng 1 – 3 cuộc phỏng vấn là hợp lý, không nên nhiều hơn.
Hãy nhớ rằng khi quá trình tuyển dụng của bạn mất quá nhiều thời gian, các công ty khác có thể đưa ra lời đề nghị trước khi bạn sẵn sàng. Vì vậy bạn thực sự không nên để quá trình phỏng vấn của mình kéo dài.
2- Tìm hiểu kỹ về ứng viên trước khi phỏng vấn
Điều này có liên quan mật thiết đến mẹo số 1. Là một người phỏng vấn, bạn cần phải đọc thật kỹ về các ứng viên trước khi bạn nói chuyện với họ. Trách nhiệm của người phỏng vấn là phải có cuộc trò chuyện phù hợp.
Một cuộc phỏng vấn kỹ thuật tốt nên tạo ra trải nghiệm tích cực cho cả người phỏng vấn và ứng viên. Trải nghiệm phỏng vấn tồi sẽ phản ánh không tốt về tổng thể công ty của bạn. Cá nhân hóa cuộc phỏng vấn có thể giúp tạo ra một môi trường tích cực, khiến tất cả các bên thoải mái và tự tin hơn.
Vì vậy, khi chuẩn bị phỏng vấn một ứng viên, bạn hãy tạo một danh sách các kỹ năng, yêu cầu và kinh nghiệm cần thiết cho vị trí đó. Sau đó, hãy đọc CV của họ để xem những yêu cầu đó phù hợp với kinh nghiệm của họ như thế nào. Nếu có điểm nào chưa rõ, điểm đó chắc chắn phải được đặt ra trong buổi phỏng vấn
Những câu hỏi như thế này có thể giúp người phỏng vấn tiếp cận ứng viên theo cách tập trung hơn:
- Điều gì làm cho ứng viên có giá trị cho vị trí này
- Ứng viên có những thành tích tương tự nào trước khi gia nhập công ty của bạn?
- Ứng viên có thể hiện tiềm năng học hỏi trong công việc không?
- Những kinh nghiệm sống hoặc sở thích nào khác có liên quan đến công việc?
3- Thảo luận bảng mô tả công việc cùng với ứng viên
Trong một cuộc phỏng vấn, sẽ tốt hơn nếu thảo luận về mô tả công việc với ứng viên. Hãy hỏi ứng viên về những mong đợi của họ đối với vị trí mà họ đang ứng tuyển. Một người phỏng vấn giỏi nên biết liệu ứng viên đó có phù hợp với vị trí đang tuyển hay không, vì vậy bạn cần tìm hiểu cách ứng viên hiểu về công việc đó.
Hãy xem xét các trách nhiệm được nêu trong mô tả công việc cùng với ứng viên. Một ứng viên có thể có câu hỏi hoặc kỳ vọng sai lệch. Đây là một cơ hội tuyệt vời để bạn và ứng viên có chung một sự mục tiêu.
Những câu hỏi như sau có thể đánh giá mức độ tập trung của ứng viên vào công việc, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm:
- Mô tả kỳ vọng của bạn cho công việc này.
- Những lĩnh vực nào của mô tả công việc này không rõ ràng?
- Bạn nghĩ bạn có thể tăng giá trị cho công ty như thế nào?
- Bạn mong đợi những trách nhiệm nào khác từ công việc này?
- Nếu bạn có thể thiết kế mô tả công việc của riêng mình, nó sẽ như thế nào?
4- Thể hiện văn hóa công ty trong suốt cuộc phỏng vấn
Thực hiện phỏng vấn mang lại cho bạn cơ hội để chứng minh thương hiệu của nhà tuyển dụng và văn hóa công ty của bạn. Điều này có nghĩa là ngoài việc tập trung vào ứng viên, bạn cũng nên dành thời gian để tìm ra cách bạn muốn trình bày về công ty của mình. Xét cho cùng, vì phần lớn các developers là những ứng viên thụ động và nhiều người trong số họ đươc rất nhiều nhà tuyển dụng mời chào. Điều này có nghĩa là họ có thể có để tham gia phỏng vấn chứ không chỉ mỗi công ty bạn. Là một người phỏng vấn, nhiệm vụ của bạn là thể hiện đúng văn hóa công ty và thương hiệu nhà tuyển dụng, giúp ứng viên hiểu rõ về công của bạn hơn. Và như vậy, cơ hội sẽ lớn hơn cho cả hai bên.
Trước một cuộc phỏng vấn, thường các ứng viên chỉ liên lạc với bạn thông qua email hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Bạn có thể là người đầu tiên của công ty mà một ứng viên tương tác khi tham gia phỏng vấn trực tiếp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các ứng viên thường đưa ra quyết định dựa trên dựa trên những ấn tượng ban đầu đối với những người đầu tiên của công ty mà họ tiếp xúc.
Vậy bạn cần làm gì? Tìm hiểu trước về ứng viên và đặt ra các câu hỏi thân thiện, tỏ rõ chu đáo là sự bắt đầu tuyệt vời. Bạn cũng cần có những thông tin cần thiết về chiến lược, văn hóa và cấu trúc của công ty để có thể nói chuyện với ứng viên. Bạn cần trả lời được cho chính mình những câu hỏi sau trước khi bước vào phòng gặp ứng viên:
- Tôi có thật sự hiểu văn hóa và cấu trúc của công ty mình không?
- Tôi có biết những đặc quyền và lợi ích mà chúng tôi cung cấp cho vị trí này không?
- Tôi đã kiểm tra với bộ phận nhân sự xem các câu hỏi phỏng vấn của tôi có phù hợp với luật và chính sách của chúng tôi không?
5- Đặt câu hỏi có chủ đích
Một thực tế là không phải ai thực hiện phỏng vấn cũng là người am hiểu sâu về kỹ thuật liên quan đến vị trí đang tuyển. Bạn có thể được giao một bộ câu hỏi về lập trình và những đáp án có sẵn. Nhưng hãy nhớ rằng các ứng viên thường sẽ nghiên cứu trước các câu hỏi về lập trình. Vì vậy nếu bạn dựa vào các câu hỏi coding ngẫu nhiên, bạn có khả năng nhận được một câu trả lời thuộc lòng.
Một cách hay để chống lại điều này là chuẩn bị một danh sách các câu hỏi có chủ đích gồm những câu hỏi độc nhất dành riêng cho công việc và công ty bạn. Bằng cách này bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách tập trung vào các chi tiết cụ thể. Bạn cần đưa ra những câu hỏi cụ thể, có chủ đích đi vào gốc rễ của vị trí công việc, không phải những câu hỏi kỹ thuật ngẫu nhiên.
6- Dành thời gian cho ứng viên đặt câu hỏi
Một ứng viên giỏi sẽ tò mò về những thứ như trách nhiệm công việc và cách công ty mang đến sự hài lòng của nhân viên. Tuy vậy, ít người có đủ thời gian để đặt câu hỏi. Hoặc họ có thể họ quá lo lắng để có thể tự nói ra. Là người phỏng vấn, bạn cần dành thời gian và tạo không khí thoải mái để ứng viên có thể đặt những câu hỏi hay.
Một cuộc phỏng vấn không chỉ là để đánh giá kỹ năng. Đây cũng là cơ hội để tất cả các bên xác định xem công việc có phù hợp với ứng viên không và ngược lại. Mở không gian cho các câu hỏi và câu trả lời xác thực có thể giúp đánh giá tiềm năng của ứng viên từ các loại câu hỏi mà họ đặt ra.
Điều quan trọng là phải định khung thời gian cho việc này một cách hợp lý. Bạn không muốn gây áp lực buộc ứng viên phải đặt câu hỏi hoặc bóng gió rằng câu hỏi của họ sẽ phản ánh không tốt về họ. Mở không gian một cách cẩn thận và thậm chí có thể cân nhắc cung cấp cho họ những ví dụ về các câu hỏi. Ví dụ, bạn có thể gợi ý cho họ về những chủ đề sau:
- Văn hóa của công ty
- Định hướng phát triển của công ty trong 5 năm tới
- Thăng tiến trong công ty..
Nên đọc qua các câu hỏi phổ biến mà ứng viên có thể hỏi để tránh gặp phải tình trạng không được chuẩn bị trước. Giữ câu trả lời của bạn ngắn gọn và súc tích Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói với họ rằng bạn có thể cung cấp thông tin sau, qua email sau phỏng vấn chẳng hạn.
Kết luận
Thực hiện một cuộc phỏng vấn kỹ thuật là một việc khó khăn. Là một nhà tuyển dụng, mục tiêu của bạn là đánh giá kỹ năng của ứng viên, phù hợp với văn hóa của công ty bạn và tiềm năng phát triển trong tương lai. Bạn cũng là người đại diện công ty của mình và cần chứng minh các giá trị của tổ chức bạn.
Hy vọng rằng sáu mẹo này sẽ giúp các nhà tuyển dụng thực hiện các cuộc phỏng vấn kỹ thuật hiệu quả, bất kể yêu cầu hay mục tiêu là gì.