Project Manager đóng một vai trò quan trọng trong các công ty IT và cả những công ty non-tech. Tuy vậy, nghề quản lý dự án cũng đối mặt với những thách thức cùng những cơ hội trong bối cảnh có những thay đổi lớn lao do công nghệ và các phương thức làm việc mới cũng như quản lý dự án hiện đại. Hãy cùng xem một bức tranh tổng thể của nghề quản lý dự án, đặc biệt trong lĩnh vực IT.
Người quản lý dự án là gì?
Người quản lý dự án là chịu trách nhiệm chung về việc lập kế hoạch và thực hiện một dự án cụ thể, và người quản lý dự án IT đóng một vai trò quan trọng trong công việc hàng ngày của bộ phận công nghệ.
Hiệp hội Quản lý Dự án (APM) cho biết quản lý dự án là việc áp dụng các quy trình, phương pháp, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để đạt được các mục tiêu cụ thể. Quản lý dự án khác với ‘quản lý’ ở chỗ nó đưa ra những kết quả cuối cùng trong khoảng thời gian hữu hạn, không giống như quản lý là một quá trình kéo dài liên tục.
Một giám đốc dự án IT chịu trách nhiệm lãnh đạo các nhóm, có thể quản lý trực tiếp hay gián tiếp, hoặc các nguồn lực bên ngoài để thực hiện các kế hoạch công việc cụ thể. Project Manager sẽ cung cấp các dự án theo định hướng, kế hoạch kinh doanh, chẳng hạn như hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, có thể được yêu cầu bởi nhóm tiếp thị hoặc các dự án dựa trên công nghệ, chẳng hạn như cần nâng cấp hệ thống. Họ sẽ chịu trách nhiệm về các tình huống kinh doanh, lập kế hoạch dự án, quản lý nguồn lực và triển khai để đạt được các mục tiêu đã đề ra cho dự án.
Một nhà quản lý dự án giỏi cần có những kỹ năng gì?
Các nhà quản lý dự án IT chuyên nghiệp cần nhiều kỹ năng: chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng quản lý con người và có nhận thức tốt về kinh doanh.
Các project manager cần có một số năng lực cốt lõi, bao gồm quản lý kế hoạch, chi phí, nguồn nhân lực, rủi ro và kỳ vọng của các bên liên quan (tức các stackholders). Mỗi dự án đều có những tính chất, đặc thù riêng và người quản lý dự án sẽ mang những kinh nghiệm của họ từ dự án này sang dự án khác.
Người quản lý dự án thường sẽ thiết lập các phương pháp để thực thi các kế hoạch của dự án và họ cần có khả năng theo dõi và quản lý tất cả các thành phần của dự án, làm nổi bật các rủi ro trước khi chúng trở thành vấn đề, đồng thời đảm bảo tất cả các bên liên quan tham gia hoặc cung cấp thông tin cần thiết trong suốt vòng đời của dự án. Sau khi triển khai và bàn giao lại cho đội ngũ vận hành, người quản lý dự án nên cần phải đưa ra bài học kinh nghiệm (lession learnt) để đảm bảo tổ chức đang học hỏi từ những thành công và cả những sai lầm trong dự án.
Trong khi quản lý dự án CNTT đòi hỏi các kiến thức kỹ thuật (dù vẫn có những tranh cãi về sự cần thiết và mức độ kiến thức kỹ thuật cần có), sự thành công của người quản lý dự án thường gắn liền với các kỹ năng mềm hơn, đặc biệt là do tầm quan trọng của việc giải quyết các kỳ vọng của các bên liên quan. Ngày càng có nhiều dự án CNTT thuộc sở hữu của các bộ phận kinh doanh, vì vậy kỹ năng giao tiếp và cộng tác trong doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng.
Tôi có thể trở thành người quản lý dự án bằng cách nào?
Nếu bạn muốn trở thành người quản lý dự án, thì bạn cần có kinh nghiệm làm việc trong các dự án, chẳng hạn như là một thành viên của nhóm hỗ trợ dự án. Tìm hiểu về quản lý dự án sẽ giúp bạn tìm hiểu xem liệu quản lý con người và quy trình có phải là vai trò phù hợp với bạn hay không.
Có nhiều cách để bạn bắt đầu cho công việc quản lý dự án trong ngành công nghệ. Chẳng hạn bạn đã làm việc trong lĩnh vực IT và kinh nghiệm bạn thu được từ những vị trí trước đây như developer, điều phối viên dự án (project coordinator) hoặc nhà phân tích kinh doanh (business analyst) sẽ là những kinh nghiệm cực kỳ quý giá giúp bạn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực quản lý dự án IT toàn thời gian. Do các nhà quản lý dự án CNTT tập trung vào các yếu tố công nghệ cụ thể, hiểu biết tốt về phần cứng, phần mềm và dữ liệu chắc chắn sẽ hữu ích. Người quản lý dự án có thể bổ sung thêm bằng cấp về quản lý dự án như PMP hay PRINCE2 để phát triển nền tảng về kỹ năng quản lý dự án CNTT.
Các nhà quản lý dự án IT cũng có thể chuyển đổi ngành. Mặc dù có một lợi thế rõ ràng là có một nền tảng kỹ thuật vững chắc, nhưng nhiều kỹ năng mà một IT project manager có được (lãnh đạo, lập kế hoạch, phân tích kết quả… ) có thể được áp dụng cho ngành khác.
Nhu cầu đối với các IT project manager như thế nào?
Kể từ khi đại dịch xảy ra, có rất nhiều thay đổi ảnh hưởng đến tất cả mọi người và các nhà quản lý dự án CNTT cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mục tiêu kinh doanh hoặc để đối phó với tình hình mới, đã đưa ra các kế hoạch mới thay cho mục tiêu ưu tiên trước đây. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu về kỹ năng quản lý dự án. Các doanh nghiệp tập trung ưu tiên thúc đẩy những gì mình đang có, giảm mạnh chi tiêu cho các dự án không thiết yếu.
Tuy nhiên, sự thay đổi đang đến. Các công ty muốn phát triển mạnh trong thời kỳ hậu COVID đang bắt đầu nghĩ đến các dự án IT mới. Điều đó có nghĩa là nhu cầu về các nhà quản lý dự án đang bắt đầu tăng lên. Dù vậy nó vẫn chưa đủ để làm cho các nhà quản lý dự án cảm thấy phấn khích. Các công ty đang xem xét lại danh mục dự án của họ và từ từ bắt đầu nghĩ đến việc đề xuất các dự án, nhưng có lẽ sẽ cần thời gian.
Kỹ thuật số hóa có ý nghĩa gì đối với IT project manager?
Chuyển đổi kỹ thuật số (Digital transformation) tiếp tục ảnh hưởng đến vai trò và công việc của các nhà quản lý dự án. Khảo sát của Censuswide tiến hành cho Hiệp hội quản lý dự án APM đã cho thấy các nhà quản lý dự án tin rằng ngân sách dành cho công nghệ sẽ lớn hơn và sẽ sử dụng nhiều hơn các công nghệ mới thời hậu coronavirus.
Gần một phần ba (30%) các nhà quản lý dự án kỳ vọng doanh nghiệp họ sẽ tận dụng nhiều hơn trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. 1/5 các nhà quản lý dự án dự đoán nhóm hoặc công ty của họ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp mới cho các giải pháp phần mềm.
Việc lockdown vì coronavirus làm tăng giá trị của công nghệ trong việc tạo điều kiện cho các phương thức làm việc mới và làmột xu hướng của tương lai. Công nghệ sẽ là yếu tố cần thiết để hỗ trợ tăng tính linh hoạt và năng suất và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều trong quản lý dự án.
AI và các công cụ tự động hóa cũng có thể có tác động đến vai trò quản lý dự án. Theo Gartner, 80% công việc do các nhà quản lý dự án đảm nhận hiện nay sẽ bị loại bỏ vào năm 2030, bởi lẽ AI sẽ đảm nhận các chức năng quản lý dự án truyền thống như thu thập, theo dõi và báo cáo dữ liệu.
Tuy nhiên, giống như trong các lĩnh vực khác của CNTT, Gartner cũng kỳ vọng tự động hóa sẽ thúc đẩy hiệu suất, bao gồm khả năng phân tích dữ liệu nhanh hơn và cho phép các IT project manager tập trung vào các tương tác có giá trị cao hơn. Khi các nhiệm vụ dựa trên dữ liệu tiêu chuẩn được thay thế bằng AI, các nhà quản lý dự án sẽ bắt đầu quản lý các nhu cầu của AI như là các stackholders mới.
Phương pháp Agile có ý nghĩa gì đối với các nhà quản lý dự án?
Agile là một trong những phương pháp làm việc có ảnh hưởng lớn đến công việc của các nhà quản lý dự án. Đối lập với các phương pháp Waterfall truyền thống, nơi một kế hoạch tuyến tính được xây dựng để đạt được các kết quả kinh doanh đã đặt ra, các phương pháp Agile liên quan đến cách tiếp cận hợp tác, trong đó các nhóm chức năng làm việc theo cách lặp đi lặp lại để tìm ra giải pháp cho các thách thức trong kinh doanh.
Quản lý dự án theo phương pháp Agile chia nhỏ các kế hoạch công việc lớn thành các chu kỳ nhỏ hơn được gọi là sprint. Theo các nhà tư vấn tại KPMG, các đội ngũ IT trong tương lai sẽ cần phải làm việc nhanh hơn nhiều so với trước đây, từ chuyển từ dự án sang sản phẩm đến mở rộng quy mô cách thức làm việc linh hoạt và cam kết tự động hóa các quy trình CNTT cốt lõi trong suốt vòng đời công nghệ.
Việc hướng tới các nhóm linh hoạt cũng đã có tác động đến vai trò quản lý dự án CNTT. Theo một số nhà quản lý, chìa khóa để duy trì sự linh hoạt là tránh đặt quá nhiều sự quản trị vào một vị trí. Điều đó có nghĩa là sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà quản lý dự án. Các nhóm nhỏ có khả năng tự quyết định và họ có thể nhận một dự án và thực hiện nó.
Tuy vậy, nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng có khả năng thay đổi nhanh chóng trong tương lai. Và các tổ chức sẽ vẫn rất cần các nhà quản lý các dự án để mang lại kết quả nhanh chóng.
Có phải thời đại của các IT project manager đã kế thúc
Chuyển đổi kỹ thuật số và các phương pháp làm việc mới có thể tác động đến nghề quản lý dự án, nhưng không có nghĩa là sự kết thúc đối với các IT project manager. Những quan điểm cho rằng sẽ có sự sụp đổ của vai trò quản lý dự án đã được phóng đại. Bất kể công nghệ có thay đổi thế nào, mọi thứ đều cần có kế hoạch và dự án. Trong khi việc đổi mới liên tục các sản phẩm và dịch vụ ngày càng quan trọng trong thế giới công nghệ, thì việc quản lý các dự án là vấn đề quan trọng để sự đổi mới đó thành công.
Vai trò của IT project manager đang thay đổi như thế nào?
Bất chấp nhiều sự thay đổi, nghiên cứu của APM cho thấy niềm tin vào tương lai của quản lý dự án đã tăng từ 60% lên 66% trong hai năm qua. Steve Bates, một chuyên gia kỳ cựu tại công ty tư vấn KPMG đã dự đoán một tương lai sáng sủa cho các IT project manager trong dài hạn. Tuy nhiên, những người giữ vai trò này đang đối mặt với nhiều thay đổi so với cách quản lý dự án truyền thống. Các kỹ năng quan trọng cho các nhà quản lý dự án sẽ không chỉ còn dựa trên thời gian, phạm vi và chi phí. Thay vào đó, các kỹ năng khác sẽ được ưu tiên và nhiều kỹ năng trong số đó có liên quan mật thiết đến tính chất ngày càng linh hoạt của công việc quản lý dự án. Vai trò quản lý dự án đang thực sự trải qua thời kỳ phục hưng nhưng về cơ bản nó sẽ khác so với trước đây.
Người quản lý dự án CNTT có thể phát triển như thế nào trong sự nghiệp?
Các IT project manager có một số lựa chọn nghề nghiệp khi họ phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ có thể đảm nhận vai trò quản lý rộng hơn, nơi họ quản lý danh mục hay chương trình dự án (project porfolio hay project progarmme). Một số nhà quản lý dự án sẽ chuyển đổi giữa các lĩnh vực và công ty để đảm nhận những vai trò rộng lớn hơn.
Sẽ có cơ hội cho các IT project manager trong việc quản lý Phòng quản lý dự án (project management office – PMO) trong các công ty lớn. Các nhà quản lý dự án tài năng, những người thường xuyên gắn bó với đội ngũ lãnh đạo cấp cao, có thể vươn lên vị trí cao nhất của tổ chức và trở thành ứng cử viên cho vai trò giám đốc điều hành. Một lựa chọn khác là tự bắt đầu và sử dụng các kỹ năng của bạn để làm việc với tư cách là nhà tư vấn cung cấp kinh nghiệm quản lý dự án tự do cho các khách hàng.
Lương của người quản lý dự án CNTT
Theo báo cáo “Talent Guide 2021” của Vietnamworks cho thấy mức lương của một chuyên gia dự án IT ở Việt Nam với kinh nghiệm từ 1 – 5 năm là từ 700 – 1500 đô la, từ 5-10 năm là 1500 – 3000 đô la và từ 10-15 năm là từ 2,000 – 4000 đô la.
Chứng chỉ là một cách để thúc đẩy các lựa chọn nghề nghiệp và mức lương của bạn. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là chứng chỉ Chuyên gia Quản lý Dự án (PMP), mặc dù vẫn có các tùy chọn khác. Bằng chứng cho thấy mức lương trung bình của những người có PMP ở Mỹ cao hơn 25% so với những người không có chứng chỉ. Không có số liệu tương tự cho thị trường việc làm tại Việt Nam
Tương lai của các nhà quản lý dự án sẽ như thế nào?
Bất chấp sự gia tăng của tự động hóa và những thay đổi liên tục trong cách thức làm việc, nghiên cứu của Viện Quản lý Dự án và Tập đoàn Kinh tế Anderson dự kiến nhu cầu sẽ tăng trưởng 33% đến năm 2027, hoặc gần 22 triệu việc làm mới. Vào thời điểm này, các nhà tuyển dụng sẽ cần gần 88 triệu người trong các vai trò định hướng quản lý dự án.
Trong khi các công ty sẽ tìm cách bắt đầu các dự án IT mà họ có thể đã tạm dừng vì đại dịch, những phát triển gần đây xung quanh việc chuyển sang làm việc từ xa đã để lại những thay đổi của họ trong nghề quản lý dự án. Sự thay đổi trong phương thức làm việc này đặt ra những câu hỏi quan trọng về vai trò quản lý dự án sẽ phát triển như thế nào trong vài năm tới.
Cùng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của AI, thật khó để biết các nhóm sẽ đối phó như thế nào nếu và khi nào làm việc từ xa trở thành bình thường mới. Thách thức sẽ là làm thế nào để các nhà quản lý CNTT thực hiện quản lý dự án từ xa một cách hiệu quả. Làm thế nào để IT project manager có được sự cộng tác khi không làm việc trực tiếp cùng nhau. Điều đó rất thách thức.”
Bài viết dựa theo https://www.zdnet.com/article/what-is-an-it-project-manager-everything-you-need-to-know-about-project-management-and-where-it-goes-next/