Sự nhanh nhẹn trong lập trình của bạn chỉ là một phần của cuộc phỏng vấn, cách bạn tương tác với nhà tuyển dụng mới là phần còn lại cần quan tâm.
Là một Software engineer, khi nghĩ đến phỏng vấn, có lẽ bạn chỉ liên tưởng đến các vấn đề liên quan tới coding trên whiteboard phải không?
Thật ra, còn rất nhiều thứ để phỏng vấn bên cạnh chuyên môn kỹ thuật của bạn. Các cuộc phỏng vấn về hành vi và cách ứng xử giờ đây là một yếu tố quan trọng để chấm điểm cho ứng viên.
Nhiều ứng viên tài năng có thể bị choáng ngợp bởi các cuộc phỏng vấn hành vi vì chúng có vẻ phức tạp hơn so với các câu hỏi về kỹ thuật. Nhưng đừng sợ! Chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn hành vi là một phần khá thú vị, giúp bạn tự tin hơn trong hành trình phỏng vấn xin việc của mình.
Phỏng vấn hành vi là gì?
Nếu các cuộc phỏng vấn về chuyên môn đánh giá kỹ năng lập trình của bạn, thì các cuộc phỏng vấn hành vi sẽ giúp khám phá cách bạn xử lý trong các tình huống hoặc xung đột liên quan đến việc làm, cả tích cực và tiêu cực.
Phỏng vấn hành vi giúp nhà tuyển dụng quyết định xem bạn có phải là người mà họ muốn làm việc cùng hay không. Những cuộc phỏng vấn này sẽ yêu cầu bạn thể hiện về hiệu suất và các ứng xử trong quá khứ của bạn để hiểu được bạn là ai, cách bạn hành động khi bị áp lực như thế nào.
Nhà tuyển dụng sẽ tự hỏi những câu hỏi:
- Ứng viên này có bình tĩnh xử lý trước áp lực không?
- Ứng viên này có đáng tin cậy không ?
- Liệu ứng viên này có đối xử tôn trọng với đồng nghiệp không?
Hành vi phỏng vấn sẽ khác nhau giữa các công ty tùy thuộc vào giá trị và văn hóa của mỗi công ty. Ví dụ: một công ty đề cao sự độc lập trong công việc sẽ không tập trung vào khả năng làm việc theo nhóm của bạn.
Các công ty sẽ ưu tiên các giá trị và tính cách khác nhau, vì vậy hãy nhớ rằng không phải chỉ có một cách duy nhất để chuẩn bị và thành công trong các cuộc phỏng vấn hành vi.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa công ty tại các công ty công nghệ lớn? Hãy ghé thăm trang codinginterview.com để biết các phân tích chi tiết về các cuộc phỏng vấn hành vi tại các công ty như Amazon, Netflix, Google, Facebook, v.v.
Tại sao Phỏng vấn Hành vi lại Quan trọng?
Đương nhiên các cuộc phỏng vấn về chuyên môn sẽ rất quan trọng, nhưng cuộc phỏng vấn hành vi cũng quan trọng không kém nếu bạn muốn nổi bật và ghi điểm với nhà tuyển dụng. Các chuyên môn về kỹ thuật có thể thay thế được.
Nếu nhà tuyển dụng muốn đưa xét duyệt cho một ứng viên, thì ứng viên đó phải là người làm tốt công việc được giao và là người sẽ phù hợp với công ty. Phỏng vấn hành vi là một yếu tố quyết định quan trọng. Chúng thậm chí còn được dùng để giảm thiểu rủi ro pháp lý, thực hiện các chính sách bình đẳng và xây dựng môi trường làm việc tốt cho nhân viên.
Một quan niệm sai lầm phổ biến trong thế giới công nghệ rằng kỹ năng mềm ít quan trọng hơn kỹ năng chuyên môn. Thực tế hoàn toàn ngược lại: kỹ năng mềm thường là yếu tố quyết định việc tuyển dụng một ứng viên.
Hãy xem những gì các chuyên gia tại Amazon đang nói về việc đánh giá kỹ năng mềm. Các kỹ năng mềm sẽ khiến bạn trở thành một nhân viên tiềm năng.
Trên thực tế, kỹ năng mềm là một trong những cách giúp bạn nổi bật với nhà tuyển dụng ở cấp quản lý cấp cao, khi mà chuyên môn của họ là những vấn đề quản trị công ty, không phải chuyên môn kỹ thuật.
Các cuộc phỏng vấn về hành vi cũng quan trọng như các cuộc phỏng vấn về code, Nào! đã đến lúc bạn phải chuẩn bị rồi!
Cách chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn hành vi
Nhiều người tìm việc đánh giá thấp các cuộc phỏng vấn hành vi, và hầu hết trong số họ có rất ít khi hoặc không chuẩn bị cho các tình huống ứng xử!
Hãy nhớ rằng các cuộc phỏng vấn thường rất căng thẳng! Căng thẳng có thể khiến bạn mất tập trung và không phát huy hết được năng lực của mình.
Nếu không có sự chuẩn bị, bạn có thể lan man, bỏ lỡ dấu ấn trong những câu chuyện cá nhân của mình hoặc tập trung vào những điểm mạnh mà công ty không muốn.
Hãy cùng xem qua bốn bước đơn giản đảm bảo giúp bạn tự tin, tập trung và chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn hành vi sắp tới.
Bước 1. Làm quen với các loại câu hỏi
Câu hỏi về trải nghiệm của bạn
Các câu hỏi về trải nghiệm trước đây đánh giá hành vi trong quá khứ của bạn như những yếu tố dự đoán hành vi trong tương lai. Nhà tuyển dụng muốn biết khả năng, định hướng và ảnh hưởng của bạn.
Bạn có thể sử dụng các câu chuyện từ những công việc trước đây bạn đã đảm nhiệm, công việc tình nguyện và thậm chí là các mối quan hệ cá nhân. Tuy nhiên, trọng tâm chính nên là kinh nghiệm về chuyên môn.
Câu hỏi về kinh nghiệm làm việc trước đây sẽ giúp bạn nhớ về quá khứ của mình. Bạn có thể nhận ra những câu hỏi này bằng cách lắng nghe các dấu hiệu như động từ ở thì quá khứ và câu trả lời dựa trên câu chuyện.
Các câu hỏi trải nghiệm thường gặp:
- Hãy cho tôi một ví dụ cụ thể về khoảng thời gian bạn thất bại trong một việc gì đó.
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn gặp sự cố tại nơi làm việc.
- Hãy kể cho tôi nghe về một vấn đề khó khăn mà bạn phải giải quyết trong công việc.
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian khi bạn yêu cầu sự giúp đỡ.
Điều quan trọng là đảm bảo rằng mọi thứ trong câu trả lời của bạn có liên quan đến câu hỏi được đặt ra.
Câu trả lời của bạn nên tập trung chủ yếu vào hành động, thành tích và quá trình suy nghĩ của bạn. Tránh mô tả các quyết định được đưa ra bởi một nhóm hoặc các câu trả lời không thể hiện trực tiếp nỗ lực của bạn. Điều này có nghĩa là bạn nên sử dụng đại từ “Tôi” nhiều nhất có thể.
Hãy xem sự khác biệt giữa hai câu trả lời sau:
- Tôi học được rằng điều quan trọng là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
- Chúng tôi học được rằng điều quan trọng là mọi người phải chịu trách nhiệm trong đội nhóm.
Tập trung vào bản thân cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn tự tin và nắm rõ thông tin. Nhà tuyển dụng cũng khó để đánh giá hành vi của bạn nếu bạn nói về người khác.
Gợi Ý : Sắp xếp câu trả lời của bạn sao cho phù hợp với giá trị và nguyên tắc cốt lõi của công ty.
Câu hỏi Giả thuyết
Các câu hỏi giả thuyết giải quyết vấn đề “điều gì xảy ra nếu”. Nhà tuyển dụng đánh giá khả năng của bạn để xử lý những kinh nghiệm trong quá khứ của bạn cho các vấn đề trong tương lai của công ty.
Nhà tuyển dụng sẽ lắng nghe sự sáng tạo và ý kiến cá nhân của bạn. Bạn có thể nhận ra những câu hỏi này bằng cách nhận biết những dấu hiệu như sau:
“Nếu…”
“Hãy tưởng tượng…”
“Bạn được yêu cầu…”
“Đặt mình vào vị trí của…”
Chìa khóa để trả lời những câu hỏi này là tránh quá nhiều chi tiết. Bất kỳ chi tiết cụ thể nào trong câu trả lời của bạn nên được đóng khung dưới dạng giả định. Câu trả lời của bạn phải chu đáo và hợp lý. Tránh lan man và nói quá nhiều thông tin dư thừa.
Câu hỏi dựa trên giá trị
Các câu hỏi dựa trên giá trị tạo cơ hội để đánh giá xem bạn có phù hợp với tổ chức và vai trò hay không. Điều này bao gồm các giá trị mà bản thân bạn mang tới cho công ty.
Nhà tuyển dụng không chỉ muốn tìm kiếm những ứng viên tài năng; họ cũng muốn xây dựng các đội nhóm hiệu quả phù hợp với mục tiêu của công ty. Đây là nơi mà nghiên cứu của bạn về giá trị của công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển phát huy tác dụng, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau.
Nhiều câu hỏi ở phần này hoặc cũng có thể được diễn giải dưới dạng giả thuyết hoặc yêu cầu bạn mô tả môi trường làm việc lý tưởng của mình. Hãy lưu ý những dấu hiệu dưới đây :
Cho chúng tôi biết môi trường làm việc lý tưởng của bạn…
Điều gì quan trọng với bạn…
Khả năng lãnh đạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong các câu hỏi dựa trên giá trị.Nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những nhà lãnh đạo tiềm năng phù hợp với văn hóa của công ty . Ví dụ, một công ty được phân chia thành nhiều cấp bậc sẽ không phù hợp với ứng viên thích làm việc độc lập.
Lưu ý rằng những câu hỏi này cũng là cơ hội để bạn đánh giá mức độ quan tâm của mình đối với vị trí đang ứng tuyển. Khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về giá trị của bạn, bạn có thể phản hồi xem bạn sẽ thích ứng như thế nào trong môi trường đó.
Bước 2. Nghiên cứu công ty
Như tôi đã đề cập ở trên, bạn cần chuẩn bị rất nhiều để nghiên cứu về công ty và bảng mô tả công việc. Điều này bao gồm trách nhiệm của vị trí, văn hóa của công ty, thương hiệu và những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có khả năng sẽ hỏi .
Nghiên cứu các giá trị của một công ty sẽ giúp bạn hiểu hơn về công ty. Vậy bạn có thể luyện tập tại :
- Trang web của công ty
- Các trang mạng xã hội (Twitter, Facebook, v.v.)
- Các trang web đánh giá công ty (LinkedIn, Glassdoor, v.v.)
- Danh sách các dịch vụ và sản phẩm
- Phản hồi khách hàng
- Những bài báo thời sự
- Quan sát ngay tại lúc bạn đang phỏng vấn ( nếu có thể)
Khi bạn nghiên cứu, hãy lưu ý về thương hiệu và văn hóa của công ty, các dịch vụ , sản phẩm liên quan đến tổ chức. Bạn có thể tìm kiếm những thông tin này ở trang web của công ty.
Các công ty lớn hơn thường sẽ công bố cụ thể về giá trị của họ, mà bạn có thể ghi nhớ và thực hiện câu trả lời của mình một cách chính xác.
Bạn cũng có thể điều tra các bài báo với các nhà lãnh đạo của công ty, tài khoản mạng xã hội hoặc trang web đánh giá của công ty để xem những người không phải nhân viên đang nói gì về công ty.
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
- 50 câu hỏi phỏng vấn về giải thuật và cấu trúc dữ liệu dành cho lập trình viên
- 17 câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cách trả lời cho vị trí Product Manager
- 50 câu hỏi phỏng vấn Python thông dụng
Khi bạn đã hiểu rõ về các giá trị và thương hiệu của công ty, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về câu trả lời của mình cho những câu hỏi phổ biến nhằm cân bằng giữa tính xác thực và phù hợp với sự mong đợi của nhà tuyển dụng.
Ví dụ: giả sử ưu tiên hàng đầu của một công ty là tạo ra một nền văn hóa ấm cúng. Bạn nghĩ mình nên tập trung vào giá trị nào sau đây?
- Độc lập và hiệu quả.
- Tăng trưởng và quyết tâm.
- Tôn trọng trong giao tiếp với đồng nghiệp.
Tôn trọng trong giao tiếp có thể sẽ là một giá trị tiềm ẩn cho tổ chức đó. Khi bạn giới thiệu về bản thân và trả lời các câu hỏi, bạn sẽ cảm nhận được sự tôn trọng từ nhà tuyển dụng.
Hãy xem sự khác biệt giữa hai phản hồi này:
- Tôi rất đúng giờ, tôi làm việc hiệu quả nhất khi tôi đặt lịch theo dõi hàng ngày.
- Tôi coi trọng thời gian của mình và thời gian của người khác, vì vậy tôi làm việc tốt khi thông báo rõ ràng lịch trình của mình để đáp ứng nhu cầu chung của cả nhóm.
Mặc dù cả hai điều này đều truyền đạt thông tin giống nhau về quản lý thời gian, nhưng phản hồi thứ hai lại hướng tới việc tôn trọng người khác và giao tiếp.
Ngay cả một sự khác biệt nhỏ trong cách diễn đạt cũng có thể làm cho câu trả lời của bạn phù hợp với mong đợi.
Bước 3. Nhận ra nhược điểm của bản thân, khai thác ưu điểm của bạn
Khi bạn đã hiểu rõ về những câu hỏi phía trước và giá trị của công ty, bạn cần đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Dưới đây là một số mẹo cho bước này
Đánh giá tính cách
Đánh giá tính cách không phải là một môn khoa học rõ ràng,… nhưng có thể cung cấp một số thông tin thú vị. Một bài kiểm tra tính cách có thể giúp bạn hiểu giá trị, sự sợ hãi, phong cách giao tiếp và trực giác của mình.
Ở cấp độ cơ bản nhất, các câu hỏi có thể giúp kích thích tư duy.
- Điểm mạnh: Tập trung vào điểm mạnh nghề nghiệp so với điểm yếu.
- Meyers Briggs: Tập trung vào cách bạn xử lý tình huống
- MAPP: Tập trung vào nhu cầu và động cơ của bạn.
- Bài kiểm tra Big Five: Tập trung vào định hướng và phong cách giao tiếp của bạn.
- Riso-Hudson Enneagram: Tập trung vào sự sợ hãi và giá trị của bạn.
Viết ra giấy
Một cách dễ dàng để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn là viết chúng ra. Cân nhắc việc lập biểu đồ. Ở bên trái, hãy viết các giá trị của công ty trong các gạch đầu dòng. Ở bên phải, viết ra các điểm tiềm năng cho mỗi giá trị. Điều này sẽ giúp bạn xác định bạn cần tập trung ở đâu?
Nếu bạn để trống, hãy thử thực hành để tạo ra các câu trả lời phù hợp nhất.Bạn có thể hỏi bạn bè, người thân hoặc các nhà tuyển dụng trước đây để được hướng dẫn về các giá trị cụ thể. Họ có thể cho bạn một cái nhìn khách quan hơn.
Hãy xem một ví dụ dưới đây:
Bước 4. Thực hành
Khi bạn đã luyện tập xong và tự xem xét bản thân, giờ đã đến lúc thực hành cho cuộc phỏng vấn, lúc đầu có thể bạn sẽ cảm thấy lúng túng, nhưng sau đó sẽ giúp bạn cấu trúc lại câu trả lời của mình và tự tin hơn.
Dưới đây là một số mẹo để luyện tập câu trả lời của bạn trước:
Sử dụng phương pháp STAR
Phương pháp STAR giúp bạn tạo ra các câu trả lời có cấu trúc cho các câu hỏi phỏng vấn về hành vi. Bạn có thể triển khai với bất kỳ câu trả lời nào.
- Situation. Mô tả hoàn cảnh của một tình huống cụ thể có liên quan đến câu hỏi.
- Task. Mô tả các nhiệm vụ và trách nhiệm mà bạn mong đợi.
- Action. Mô tả những gì bạn đã làm để giải quyết những nhiệm vụ đó.
- Result. Mô tả cụ thể kết quả hành động của bạn.
Viết ra câu trả lời
Viết ra mọi thứ sẽ kích hoạt một phần khác của não bộ hơn là nói hoặc đánh máy. Viết đòi hỏi một hình thức giao tiếp chậm hơn, có chủ đích hơn có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về câu trả lời của bạn.
Khi bạn thực hành, hãy thử viết ra câu trả lời của bạn trước. Làm chậm lại và lựa chọn cẩn thận từ ngữ phù hợp liên quan tới giá trị của công ty.
Ghi âm
Bạn có thể thực hiện điều này trên điện thoại của mình, bằng video hoặc bản ghi âm giọng nói. Nghe lại và chú ý đến điểm mạnh và điểm yếu trong câu trả lời. Hay thử thực hành với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè để nhận được lời nhận xét khách quan từ họ.
Một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho giai đoạn chuẩn bị là khóa học “Grokking the Behavioral Interview” của Educative – khóa học này hoàn toàn miễn phí.
Khóa học này không chỉ dạy thông qua các ví dụ thực tế, câu đố và mẹo chuyên nghiệp từ nhà tuyển dụng, mà còn cung cấp ứng dụng embed video, ở đó bạn có thể ghi lại câu trả lời và phát lại để đánh giá.
Thực hành với một người khác
Bạn có thể làm điều này với bất kỳ ai sẵn sàng xem xét phản hồi của bạn một cách nghiêm túc và đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng. Ngoài ra còn có các công ty trực tuyến cung cấp các cuộc phỏng vấn giả.
Khi bạn trải qua một cuộc phỏng vấn giả, hãy nhớ đặt những câu hỏi hay để cải thiện, chẳng hạn như:
- Có câu trả lời cụ thể nào nổi bật với bạn không? Tại sao?
- Câu hỏi nào phổ biến nhất và được chuẩn bị kỹ càng nhất?
- Câu hỏi nào ít gặp nhất hoặc không được chuẩn bị?
- Hãy giới thiệu đôi nét về bạn ngắn gọn.
Tóm tắt
- Làm quen với các dạng câu hỏi phỏng vấn.
- Nghiên cứu công ty và vị trí công việc.
- Tìm hiểu thêm về điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
- Thực hành thực hành và thực hành.
. . . . . . . .
Hướng dẫn cách phỏng vấn qua video
Các cuộc phỏng vấn qua video và điện thoại đều rất phổ biến hiện nay do đại dịch trên toàn thế giới, tất cả các công ty công nghệ đang dựa vào các cuộc phỏng vấn video để đánh giá hành vi và nhiều chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục sau khi đại dịch kết thúc.
Các cuộc phỏng vấn từ xa, online là tiêu chuẩn mới, và với sự thay đổi này, một loạt thách thức mới mà bạn cần phải chuẩn bị. Hãy thảo luận về một số câu hỏi phổ biến thường được sử dụng đối với các cuộc phỏng vấn qua video / điện thoại mà bạn có thể bỏ sót.
Các mẹo chuẩn bị cho phỏng vấn qua điện thoại / video
Thực hiện một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoặc video có thể khá phức tạp vì chúng ta đã quen với các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng. Dưới đây là một số điều cần nhớ trong các cuộc phỏng vấn online của bạn.
1. Chuẩn bị phù hợp
- Trang Phục. Ngay cả đối với một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, việc mặc quần áo chỉnh tề cũng giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Hãy chuẩn bị quần áo như đối với lúc bạn dùng cho cuộc phỏng vấn trực tiếp. Không nên mặc quá cầu kỳ, chỉ cần đơn giản và màu sắc sáng.
- Về mặt kỹ thuật. Hãy chuẩn bị với các thiết bị được sạc đầy và tốc độ internet tốt. Đối với một cuộc phỏng vấn video, hãy tự làm quen với nền tảng video trước và tắt tiếng điện thoại di động của bạn. Kiểm tra trước để đảm bảo rằng âm thanh và loa của bạn đang hoạt động. Nếu bạn đang sử dụng Zoom hoặc Skype, hãy thử gọi điện thử với một người bạn để kiểm tra tất cả kỹ thuật. Nếu cần, hãy đảm bảo chuẩn bị sẵn IDE hoặc GDoc cho buổi phỏng vấn.
- Bàn. Đối với cả phỏng vấn qua điện thoại và video, ngồi ở bàn làm việc thích hợp sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phỏng vấn. Ngồi trong một môi trường thích hợp không chỉ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn cho người phỏng vấn biết rằng bạn chu đáo và chuẩn bị cẩn thận cho cuộc phỏng vấn. Tốt nhất ở trong một không gian yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng.
- Môi trường. Hãy nhớ nói trước với bất kỳ ai mà bạn sống cùng về cuộc phỏng vấn để tránh bị gián đoạn. Bạn thậm chí có thể cân nhắc việc đặt một bảng hiệu trước cửa nhà để ngăn chặn những vị khách không mong muốn. Dọn dẹp mọi vật dụng lộn xộn hoặc tế nhị ra khỏi phông nền.
2. Giới thiệu bản thân
Với một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoặc video, bạn không thể bắt tay hay cúi đầu giới thiệu bản thân. Nhà tuyển dụng có thể sẽ giới thiệu bản thân trước hoặc thậm chí họ chỉ nói: “Tôi sẵn sàng khi bạn sẵn sàng.”
Nhận biết các dấu hiệu để biết thời điểm thích hợp giới thiệu bản thân bằng một lời chào đơn giản. Bạn có thể cân nhắc sử dụng câu: “Chào buổi sáng, cảm ơn vì đã sắp xếp cho tôi cuộc phỏng vấn hôm nay. Tên tôi là ____.”
Một lời giới thiệu đơn giản là tất cả những gì bạn cần để bày tỏ lòng biết ơn và sự phấn khích để tiếp tục cho cuộc phỏng vấn.
3. Thiết lập sự kết nối
Vì bạn không nhận được lợi ích của các cuộc trò chuyện trực tiếp, điều quan trọng là phải thiết lập một số hình thức kết nối với nhà tuyển dụng qua điện thoại / video. Điều này có thể được thực hiện bằng một câu nói đùa thích hợp vào đúng thời điểm, một nhận xét về công ty hoặc bằng cách tạo mối liên hệ về các giá trị được chia sẻ.
Nếu nhà tuyển dụng cung cấp bất kỳ thông tin nào về bản thân họ hoặc vai trò của họ, bạn có thể cân nhắc tạo mối liên hệ với họ, rất chuyên nghiệp.
Ví dụ: bạn có thể hỏi một câu hỏi về vai trò của nhà tuyển dụng hoặc tạo mối quan hệ về sở thích chung nếu nó xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong quá trình tuyển dụng. Đừng ngần ngại thiết lập những liên kêts đó trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoặc video. Đây là một phần giao tiếp tự nhiên của con người và có thể khiến bạn trở nên nổi bật hơn.
4. Ngôn ngữ cơ thể và tư thế
Vì bạn có khả năng kiểm soát môi trường xung quanh, hãy tạo sự thoải mái cho bản thân, nhưng hãy nhớ ngồi với tư thế thẳng và nghiêm chỉnh. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy chuyên nghiệp hơn và giọng nói của bạn sẽ rõ ràng hơn.
Ngay cả đối với một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, việc ngồi đúng cách có thể kích hoạt bộ não của bạn và giúp bạn nói chuyện dễ dàng hơn.
Đối với các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, điều quan trọng là không nên di chuyển quá nhiều, vì nó có thể gây ra biến dạng âm thanh hoặc thậm chí làm cho nhà tuyển dụng cảm giác không yên tâm khi nói chuyện với bạn.
Đối với các cuộc phỏng vấn video, tư thế và ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ để ý xem bạn ngồi ngay ngắn, thỉnh thoảng có giơ tay chân hoặc vuốt tóc không.
Cũng giống như bạn làm trong cuộc phỏng vấn trực tiếp, hãy giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng. Cố gắng giữ tay của bạn ở phía trên bàn làm việc, vì nó thể hiện sự đáng tin cậy và thoải mái khi bạn nói chuyện. Bạn sẽ thấy tự nhiên và thoải mái hơn rất nhiều.
Có rất nhiều mẹo và thủ thuật để “hack” kỹ thuật ngôn ngữ cơ thể. Mặc dù một số kỹ thuật trong số này có thể hữu ích, nhưng đừng nghĩ rằng việc làm chủ được ngôn ngữ cơ thể có thể giúp bạn kiếm được việc làm nhé!
Điều thực sự quan trọng là câu trả lời của bạn. Trên thực tế, quá để tâm tới những thủ thuật này có thể khiến bạn mất tập trung hoặc khiến bạn trông lúng túng trước ống kính.
Tóm tắt:
- Có một bàn làm việc thích hợp, sạch sẽ.
- Kiểm tra kỹ thuật cẩn thận trước khi bắt đầu.
- Ăn mặc đẹp, đơn giản, lịch sự.
- Thiết lập kết nối với nhà tuyển dụng.
- Ngồi ngay ngắn.
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách tự nhiên.
Tham khảo
Thực hiện cuộc phỏng vấn hành vi của bạn phụ thuộc vào nỗ lực bạn đã chuẩn bị. Rất may là có rất nhiều tài liệu tuyệt vời sẵn có để hỗ trợ bạn trong cuộc hành trình này.
Các khóa học
Educative’s Grokking Behavioral Interviews, được thiết kế đặc biệt cho các lập trình viên. Đây là một hướng dẫn toàn diện về các cuộc phỏng vấn hành vi, được sắp xếp thành một nguồn tổng hợp. Và bạn không cần phải tốn thời gian tìm kiếm trên internet và tổng hợp lại.
Danh sách các câu hỏi hoặc mẹo phỏng vấn hành vi không đủ để chuẩn bị cho bạn. Bạn cần hướng dẫn cụ thể, dành riêng cho lập trình viên. Khóa học này có các ví dụ, câu đố, hình ảnh trong thế giới thực và tiện ích video độc đáo để khuyến khích thực hành và tự đánh giá.
Coding Interview
Coding Interview là nơi lý tưởng cho bất kỳ ai muốn chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn về mặt chuyên môn và hành vi trong ngành công nghệ. Tại đây, bạn có thể tìm thấy lộ trình chuẩn bị cụ thể của từng công ty, phác thảo chi tiết về các giá trị của công ty, v.v.
- Các cuộc phỏng vấn của Google
- Phỏng vấn trên Facebook
- Các cuộc phỏng vấn của Apple
- Phỏng vấn Amazon
- Và hơn thế nữa
CodingInterview.com cũng là một nguồn tài nguyên quý giá để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn chuyên môn cho lập trình viên. CodingInterview có hướng dẫni chi tiết để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn này.
Các nguồn tham khảo khác
- Glassdoor’s guide to acing the behavioral interview
- Indeed’s guide to preparing for behavioral interviews
- Top 30 behavioral interview questions
- Guide to acing video interviews
Danh sách câu hỏi phỏng vấn hành vi: 30 câu hỏi phổ biến
Câu hỏi về trải nghiệm
- Mô tả về khoảng thời gian mà bạn đã làm nhiều việc hơn mong đợi để hoàn thành một dự án. Những nỗ lực của bạn có được ghi nhận không? Chuyện đó làm cho bạn cảm thấy thế nào?
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian khi bạn là trưởng nhóm của một dự án. Bạn đã làm gì ở vị trí đó? Bạn cảm thấy thế nào với tư cách là quản lý của dự án?
- Mô tả một tình huống khi bạn phát hiện ra một quy trình hoặc dự án cần cải tiến. Bạn đã lên tiếng? Kết quả là gì?
- Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn mắc sai lầm trong công việc. Điều gì đã xảy ra và bạn đã làm gì để cải thiện tình hình?
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn phải quản lý nhiều dự án cùng một lúc. Làm thế nào bạn xử lý điều này?
- Mô tả thời điểm bạn phải điều chỉnh trước những thay đổi quan trọng trong dự án hoặc ban lãnh đạo. Bạn cảm thấy thế nào? Bạn đã xử lý sự thay đổi đó như thế nào?
- Bạn đã gặp bất kỳ thông tin sai lệch nào với đồng nghiệp hoặc người quản lý chưa? Bạn đã đối phó với điều đó như thế nào?
- Hãy cho tôi một ví dụ về lần bạn không đồng ý với đồng nghiệp hoặc một lập trình viên khác. Bạn đã làm gì trong tình huống này?
- Mô tả trải nghiệm khi làm việc nhóm mà bạn thích hoặc thấy thất vọng.
- Hãy cho tôi một ví dụ về lần bạn phải đối mặt với một dự án phức tạp đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Cho tôi biết quyết định của bạn lúc đó như thế nào?
Câu hỏi dựa trên giá trị
- Mô tả môi trường làm việc lý tưởng của bạn. Điều gì quan trọng đối với bạn trong môi trường đó?
- Bạn thích làm việc một mình hay theo nhóm?
- Mô tả đồng đội lý tưởng của bạn.
- Phong cách giao tiếp của bạn là gì?
- Bạn có thể mô tả kế hoạch 5 năm của mình không? Khát vọng nghề nghiệp của bạn là gì?
- Theo bạn “tính chính trực” là gì. Điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn trong một môi trường chuyên nghiệp?
- Theo bạn như thế nào là chuyên nghiệp trong công việc ?
- Ưu tiên của bạn trong cuộc sống là gì?
- Bạn cảm thấy tự tin nhất khi làm những việc gì?
- Điều gì khiến bạn thất vọng nhất trong công việc? Bạn đối phó với điều này như thế nào ?
Câu hỏi giả thuyết
- Hãy giả vờ như tôi là quản lý của bạn, và tôi yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn không đồng ý. Bạn sẽ làm gì?
- Bạn sẽ làm gì nếu đồng đội của bạn không đạt được kỳ vọng tiêu chuẩn?
- Trong khoảng thời gian 5 phút, những người sau đây đến gặp bạn để yêu cầu giúp đỡ: Giám đốc Điều hành công ty bạn (người mà bạn không thường xuyên tương tác), Quản lý của bạn và thành viên trong nhóm của bạn. Bạn ưu tiên người nào trước?
- Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn đưa ra một đề xuất hữu ích trong một cuộc họp, nhưng nhóm của bạn lại không đồng ý? Bạn sẽ xử lý như thế nào?
- Nhóm của bạn sẽ thuyết trình trong hai giờ và một thành viên vừa bị ốm. Bạn sẽ xử lý như thế nào ?
- Hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu làm việc trong một dự án với một công cụ mà bạn không quen thuộc. Làm thế nào bạn có thể xoay xở được chuyện này?
- Hãy tưởng tượng bạn đang làm một dự án mà bạn thấy công ty không tổ chức hợp lý và tài liệu thì ít. Bạn sẽ làm gì?
- Hãy tưởng tượng bạn sẽ được nhận cho vị trí công việc này, điều đầu tiên bạn làm khi đến văn phòng là gì?
- Bạn nhận ra rằng bạn đã mắc một sai lầm trong dự án của mình, nhưng bạn đang chậm tiến độ. Làm thế nào để bạn xử lý?
- Bạn sẽ xử lý thế nào để hợp tác làm việc với quản lý hoặc đồng nghiệp khi họ có phong cách làm việc khá khác với bạn?
Xem thêm bài viết gốc của tác giả Zack Shapiro tại đây!
Bạn có biết?
tham gia cộng đồng ITguru trên Linkedin, Facebook và các kênh mạng xã hội khác có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được những chủ đề phát triển nghề nghiệp và cập nhật thông tin về việc làm IT mới nhất
Linkedin Page:
Facebook Group:
cơ hội việc làm IT : ITguru.vn